Vụ kiện đánh dấu bước leo thang căng thẳng giữa chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng dụng di động Tiktok do công ty Trung Quốc ByteDance sở hữu, hiện đang có hơn 100 triệu người sử dụng tại Mỹ.
Trong đơn kiện gửi lên tòa án liên bang tại California, Tiktok cho rằng chính quyền của ông Trump không cho công ty này cơ hội tự bảo vệ trước cáo buộc ứng dụng gây ra nguy cơ an ninh quốc gia.
"Chúng tôi muốn đối thoại hơn là kiện tụng. Nhưng sắc lệnh đe dọa cấm chúng tôi hoạt động ở Mỹ - làm mất 10.000 việc làm tại Mỹ và gây tổn thương không thể chữa lành cho hàng triệu người Mỹ sử dụng ứng dụng vì mục đích giải trí, kết nối và kiếm sống hợp pháp, điều rất quan trọng trong thời kỳ đại dịch - chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác," Tiktok thông báo về đơn kiện trên blog của công ty.
Trước đó, chính quyền của ông Trump cho Tiktok thời hạn tới ngày 20/09 để giải trình những lo ngại rằng ứng dụng "cho phép Trung Quốc truy cập thông tin cá nhân và quyền sở hữu của người dân Mỹ, cho phép Trung Quốc theo dõi địa điểm của các nhân viên, nhà thầu liên bang, lập hồ sơ thông tin cá nhân để tống tiền, thực hiện hành vi gián điệp".
Tiktok nhiều lần khẳng định lữu trữ dữ liệu của người dùng Mỹ tại Mỹ và Singapore, cam kết sẽ từ chối mọi yêu cầu của chính phủ Trung Quốc về dữ liệu người dùng Mỹ.
Tiktok hiện đang xem xét bán chi nhánh tại Mỹ cho Microsoft và Oracle, theo CNN.
Ủy ban Đầu tư Nước ngoài Mỹ (CFIUS) đã điều tra Tiktok về những nguy cơ an ninh mà công ty này có thể gây ra. Tiktok cho rằng CFIUS đã "vội vàng đưa ra quyết định chỉ năm phút trước hạn chót", kết luận rằng ủy ban đã xác định được những nguy cơ an ninh quốc gia mà công ty này có thể gây ra.
Báo cáo của CFI US phần lớn dựa trên những bài báo cũ, không nhắc tới những hồ sơ mà nguyên đơn cung cấp thể hiện sự bảo đảm an toàn cho dữ liệu người dùng Tiktok, và ngoài ra cũng thiếu sót trên một số phương diện khác," đơn kiện của Tiktok có đoạn.
Bên cạnh đó, TIktok cho rằng ông Trump ban hành sắc lệnh dựa trên Đạo luật Sức mạnh kinh tế khẩn cấp quốc tế, tương tự như sắc lệnh nhắm vào Huawei trước đây. Tuy vậy Tiktok nói họ không giống như Huawei.
"Tiktok không phải là nhà cung cấp viễn thông, công ty không cung cấp các loại công nghệ và dịch vụ được nhắc đến trong sắc lệnh năm 2019," đơn kiện có đoạn viết.
Tuy vậy, sắc lệnh năm 2019 của ông Trump không nhắc tới các nhà cung cấp viễn thông mà nói đến "chuỗi cung ứng công nghệ và dịch vụ thông tin và viễn thông".
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)