Tài liệu của chính phủ Mỹ được công bố mới đây cho thấy hai giả thuyết virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ loài dơi và virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm có thể đều đúng, theo Daily Mail.
Hồi tháng 09, các nhà khoa học phát hiện Banal-52, một chủng virus corona được tìm thấy trên loài dơi ở Lào, có trình tự bộ gene giống 96,8% với SARS-CoV-2.
Sự giống nhau đáng ngạc nhiên giữa hai chủng virus corona khiến các nhà khoa học đoán rằng chủng virus ở Lào có thể liên quan tới sự xuất hiện của SARS-CoV-2.
Tuy vậy, câu hỏi được đặt ra là vì sao một virus có nguồn gốc trên loài dơi tại Lào lại gây ra đợt bùng phát dịch bệnh ở Vũ Hán, cách đó tới hơn 1.000km?
Theo Daily Mail, câu hỏi trên đã có trả lời sau khi email giữa Liên minh EcoHealth và các đơn vị tài trợ của Mỹ được tiết lộ, cho thấy các mẫu virus trên loài dơi ở Lào đã được thu thập và gửi tới nghiên cứu ở Viện Virus học Vũ Hán.
ADN của virus từ "loài dơi và các loài nguy cơ cao khác" đã được gửi tới Vũ Hán từ tháng 06/2017 tới 05/2019, theo nội dung của các email.
Ngoài nghiên cứu ở Lào, Liên minh EcoHealth cũng điều tra virus trong hang dơi ở Vân Nam Trung Quốc và gửi mẫu tới cho các nhà khoa học ở Vũ Hán.
Chính phủ Trung Quốc đã không cho phép các nhà nghiên cứu tiếp cận trục mỏ ở Vân Nam, nơi chủng virus RaTG13 được tìm thấy trên loài dơi lá mũi. Virus RaTG13 cũng rất giống SARS-CoV-2 về mặt gene.
Dữ liệu về trình tự bộ gene thu thập được trên các mẫu ở Vân Nam và Lào đều không còn được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu trực tuyến ở Viện Virus học Vũ Hán từ tháng 09/2019, khiến giới chuyên gia không nắm được thông tin về các chủng virus được nghiên cứu tại đây.
Gilles Demaneuf, một nhà khoa học dữ liệu tại New Zealand và là thành viên của nhóm nghiên cứu nguồn gốc đại dịch Drastic cho rằng thông tin được công bố kể trên cho thấy đã có một "con đường hợp lý" giải thích virus lây từ loài dơi ở Lào tới con người ở Vũ Hán như thế nào.
"Giờ đây chúng ta đã một con đường trực tiếp rất hợp lý với hai phương án", Demaneuf viết trong một blog gần đây.
Liên minh EcoHealth hôm 21/11 khẳng định họ không gửi các mẫu virus từ Lào tới Vũ Hán, tuy vậy thừa nhận đã yêu cầu Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) cho phép làm việc tại các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Lào, và được chấp thuận. Họ đã chọn Trung Quốc làm nơi nghiên cứu.
Trước đó, tài liệu được Drastic tiết lộ hồi tháng 09 cho thấy người đứng đầu Liên minh EcoHealth Peter Daszak đã đề nghị chính phủ Mỹ tài trợ dự án chỉnh sửa virus giống SARS-CoV-2 đang được nghiên cứu tại Vũ Hán.
Cụ thể, vào năm 2018, Peter Daszak đã đề nghị cấp ngân sách trị giá 14,2 triệu USD để nghiên cứu chỉnh sửa gene virus corona. Tuy vậy, đề nghị này bị từ chối vì lo ngại những dự án như vậy có thể gây nguy hiểm.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)