Các email mới được công bố cho thấy, các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm quốc gia Galveston (GNL) của Mỹ đã liên tục hối thúc đồng nghiệp Trung Quốc chia sẻ mẫu virus gây đại dịch Covid-19 trong thời gian đầu sau khi dịch khởi phát để tăng tốc độ nghiên cứu quan trọng. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã không hỗ trợ.
Người Mỹ đã đụng phải một "bức tường" quan liêu quá dày
Bất chấp lời cảnh báo Trung Quốc "sẽ phải đối mặt với những chỉ trích nặng nề" nếu không chia sẻ thông tin về mẫu virus gây đại dịch, phía Mỹ đã đụng phải một "bức tường" quan liêu quá dày từ Bắc Kinh.
Vào cuối tháng 1/2020, khi một loại virus mới lây nhiễm cho hàng trăm người mỗi ngày ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc - gây ra căn bệnh mà giới truyền thông nước này lúc đó gọi là "căn bệnh bí ẩn" - các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Galveston ở Texas đã khẩn trương tìm cách tiếp cận mầm bệnh để bắt đầu việc nghiên cứu của riêng họ.
Và họ tìm đến Viện Virus học Vũ Hán (WIV) với hy vọng được chia sẻ mẫu virus này về tự nghiên cứu. Bởi vì việc tiếp cận sớm với mầm bệnh mới rõ ràng sẽ giúp các nhà nghiên cứu phát triển những công cụ chẩn đoán và thuốc điều trị và vắc-xin.
Vì đã từng cộng tác, hỗ trợ đào tạo cho phía Trung Quốc, các nhà khoa học Mỹ đã kỳ vọng nhanh chóng được cung cấp dữ liệu.
Tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản như vậy. Phòng thí nghiệm quốc gia Galveston thuộc Trung tâm y khoa Đại học Texas (UTMB), sau đó phải đợi rất nhiều ngày vì một nhà khoa học WIV giám sát việc chuyển giao cho biết, quy trình chuyển giao này cần phải có sự chấp thuận của chính phủ Trung Quốc, nội dung các email trao đổi mà WIV gửi UTMB mới được công bố nêu rõ.
Theo báo Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), các chuyên gia dẫn nguồn tin tài liệu cho biết, cuộc trao đổi nêu bật những thách thức trong việc chia sẻ virus ra khỏi biên giới Trung Quốc và cho thấy Bắc Kinh miễn cưỡng chia sẻ những tài liệu này trong những ngày đầu tiên, vốn là thời điểm rất quan trọng của đại dịch. Đối với các nhà nghiên cứu ở Texas, điều đó có nghĩa là họ đã để mất thời điểm vàng để kiểm soát đại dịch.
Ông James LeDuc, khi đó là Giám đốc GNL đã cảnh báo các đối tác Trung Quốc rằng, việc chậm trễ như thế này có thể gây tổn hại đến vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế và khiến các nhà khoa học không tiếp cận được tài liệu để nghiên cứu.
Trong email gửi ông Yuan Zhiming, giám đốc Phòng thí nghiệm An toàn Sinh học Quốc gia thuộc WIV, và người đứng đầu tổ chức Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, Gao Fu, ông LeDuc kêu gọi nhanh chóng chia sẻ mẫu virus phân lập và cảnh báo Trung Quốc sẽ mất cơ hội thể hiện vai trò lãnh đạo, bị chỉ trích nặng nề nếu không chia sẻ và để các nước khác tự phân lập thành công virus từ các ca bệnh.
"Các bạn đang ở một vị trí rất quan trọng và đang làm một công việc tuyệt vời. Tuy nhiên, tôi khuyên các bạn nên tổ chức và nhanh chóng triển khai kế hoạch chia sẻ các chủng virus phân lập tham chiếu", ông LeDuc viết trong email ngày 22/1/2020.
Ông cũng cảnh báo: "Nếu virus lan ra ngoài Trung Quốc, các nước khác sẽ sớm bị cô lập và Trung Quốc sẽ mất cơ hội lãnh đạo. Và nếu các ấn phẩm khoa học bắt đầu xuất hiện từ các nhà điều tra Trung Quốc mà thế giới không có quyền tiếp cận độc lập với chủng loại virus này, Trung Quốc có thể sẽ bị chỉ trích nặng nề".
Trung Quốc liên tục "câu giờ"
Các nhà khoa học Trung Quốc đã chia sẻ trình tự bộ gen của virus - một đoạn mã văn bản biểu thị các khối cấu tạo gen - chưa đầy 2 tuần sau khi các cơ quan y tế Vũ Hán đánh tiếng báo động về một đợt bùng phát dịch đáng lo ngại.
Tuy nhiên, nhà khoa học người Thượng Hải, người đầu tiên phát hành trình tự độc lập với chính phủ vào ngày 11/1 đã nhanh chóng đóng cửa phòng thí nghiệm của ông để "cải chính". Các quan chức Trung Quốc đã chia sẻ bộ gen với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày hôm sau, 10 ngày sau khi WIV giải trình tự lần đầu tiên vào ngày 2/1.
Trình tự bộ gen, được tải lên mạng trực tuyến, ngay lập tức giúp cho các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới có cơ hội tạo ra các bộ dụng cụ chẩn đoán và thậm chí cả vắc xin, cũng như tiến hành các nghiên cứu sâu hơn. Các nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm Galveston đợi gần 3 tuần sau khi ông LeDuc yêu cầu.
Nhưng cuối cùng, mẫu mà họ nhận được không phải từ Trung Quốc mà là từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ vào ngày 11/2. Sau đó GNL đã tự nuôi cấy thành công virus từ bệnh nhân tại Mỹ để chia sẻ với các nhà nghiên cứu.
Thực ra, đồng hồ đã điểm cho các nhà khoa học Mỹ vào ngày 28/1, khi các email cho thấy họ đã gửi tài liệu chính thức đề nghị phía Vũ Hán chuyển giao mẫu virus phân lập. Tuy nhiên, đề nghị này phải thông qua nhiều bước kiểm duyệt từ Văn phòng hải quan Vũ Hán cho đến Tổng cục Hải quan ở Bắc Kinh và cuối cùng là Văn phòng Quốc vụ viện, theo email mà bà Deng Fei của Trung tâm thông tin sinh học và tài nguyên virus của WIVgửi tới UTMB.
Đến ngày 2/2/2020, giáo sư sinh học phân tử Pei-Yong Shi tại Texas gửi tin nhắn khẩn đến phía Vũ Hán để hỏi tình hình về việc chuyển mẫu virus phân lập nhưng bà Deng Fei đáp rằng vẫn đang theo dõi thông tin từ các quan chức hải quan tại Bắc Kinh.
"Có cập nhật gì về lô hàng phân lập không? Vì đây là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, tôi hy vọng việc phê duyệt sẽ được xử lý khẩn cấp. Chia sẻ virus phân lập chắc chắn sẽ giúp thúc đẩy quá trình xây dựng các biện pháp đối phó", ông Pei-Yong Shi viết cho bà Deng Fei, người trả lời rằng ông đang theo dõi mọi diễn biến hàng ngày với các quan chức hải quan ở Bắc Kinh.
"Tôi cũng hy vọng có tiến triển", bà Deng trả lời.
Việc chuyển giao cho Texas cuối cùng không được Trung Quốc thông qua nhưng các email mà SCMP thu được không cho biết lý do tại sao.
WIV cũng như Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc và Tổng cục Hải quan đã không trả lời yêu cầu bình luận về việc này. Trong khi đó, tạp chí Vanity Fair trước đó đưa tin, nhà khoa học Thạch Chính Lệ của WIV đã lên kế hoạch chia sẻ các mẫu virus cho phòng thí nghiệm Galveston nhưng bị Bắc Kinh ngăn chặn.
Cần một thỏa thuận về việc chia sẻ đầy đủ và công bằng
Nhiều nhà khoa học theo dõi sự chia sẻ mầm bệnh cho biết, họ không tin rằng, Trung Quốc chia sẻ virus ra nước ngoài trong những tuần đầu bùng phát.
Thay vào đó, một số phòng thí nghiệm quốc tế đã nhận được mẫu từ Australia, nơi một nhóm nghiên cứu tại Viện Peter Doherty của Melbourne cho biết vào ngày 29/1, đây là cơ quan đầu tiên phân lập và phát triển virus ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Các nhà khoa học khác phải đợi lấy mẫu khi có ca bệnh nhân xuất hiện trong lãnh thổ của họ.
WHO cho biết họ đã làm việc "trong nhiều năm để tạo điều kiện cho các quốc gia chia sẻ thông tin virus với nhau" nhưng không rõ liệu cơ quan này sẽ giải quyết ra sao khi Trung Quốc không gửi virus corona đến bất kỳ phòng thí nghiệm nào trực thuộc WHO.
Lawrence Gostin, giám đốc khoa của Viện O’Neill về Luật Y tế Quốc gia và Toàn cầu tại Đại học Georgetown ở Mỹ, cho rằng cần có một "thỏa thuận quốc tế mới về việc chia sẻ đầy đủ và công bằng các mẫu sinh học và trình tự bộ gen của các loại mầm bệnh, bao gồm cả virus corona".
Các chuyên gia khác cho rằng, đây là một vấn đề sống còn kéo dài đối với cả thế giới, nên cần một hệ thống quốc tế toàn diện, minh bạch.
Theo Nam An (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)