Chị em Fatima và Khadija được đưa từ Iraq trở về đoàn tụ với ông bà ở Cộng hòa Dagestan thuộc Nga hồi tháng 8 năm ngoái. Theo hãng thông tấn RT, đã gần 1 năm trôi qua kể từ khi thoát khỏi địa ngục của IS, nhưng hai cô bé vẫn phải vật lộn chống chọi với những sang chấn tâm lý sau chiến tranh.
Dẫu vậy, những người tiếp xúc với Fatima và Khadija ghi nhận, hai chị em đang cảm thấy an toàn ở nhà họ tại Makhachkala, một vùng ngoại ô của Dagestan, miền nam Nga. "Vẻ ngoài và cách cư xử của hai bé trông giống như bất kỳ đứa trẻ nào khác cùng độ tuổi, ngoại trừ các trải nghiệm đau thương", phóng viên Madina Kochenova nhận xét.
Trong hai chị em, cô chị Khadija khá hoạt bát và cởi mở. Song, cô em Fatima kém 2 tuổi lại ít nói và có vẻ hướng nội, thường tìm cách bám theo ông nội của mình - ông Anwar. "Fatima chẳng để tôi đi đâu hết. Con bé nói, bố của cháu cũng rời đi vào sáng sớm và không bao giờ trở về vào buổi tối nữa. Cháu nói với tôi về trạm khi đốt nơi bố làm bị đánh bom. Cháu kể với tôi về việc các máy bay đã tới như thế nào, thả các quả bom ra sao và bỏ đi", ông Anwar kể.
Tháng 5/2015, cả hai con trai của ông Anwar đều bí mật rời Nga để tham gia tổ chức khủng bố IS ở Iraq, trong đó, cậu con trai lớn mang theo cả vợ và hai con gái đi cùng. "Khoảng một tuần sau khi chúng bỏ đi, tôi nhận được tin từ con trai nói rằng chúng đang ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi ngay lập tức hiểu ra mọi thứ và cảm thấy vô cùng tồi tệ", ông Anwar nhớ lại.
Lần cuối cùng ông Anwar trò chuyện với con trai là ngay trước khi các lực lượng chính phủ Iraq, với sự hậu thuẫn của liên quân do Mỹ đứng đầu, tiến hành một chiến dịch phản kích nhằm giành lại quyền kiểm soát thành phố Mosul, thành trì chính của IS tại quốc gia Trung Đông. Không lâu sau đó, bố mẹ Fatima và Khadija đều thiệt mạng trong vụ tấn công của máy bay không người lái, để các con bơ vơ một mình.
Vài tuần sau, hai bé gái thương tích đầy mình và sang chấn tâm lý được đưa tới một trại trẻ mồ côi ở Baghdad. Chúng nằm trong một nhóm các trẻ mồ côi nói tiếng Nga, là con của các tay súng IS bị liên quân tiêu diệt, xuất hiện trong một phóng sự của RT.
Sau khi phóng sự được phát sóng, hãng RT đã tiến hành một chiến dịch tìm kiếm họ hàng thân thích cho những đứa trẻ mồ côi này. Một bé gái 7 tuổi từng chơi với Fatima và Khadija hồi còn ở Makhachkala đã nhận ra chúng khi xem phim.
"Tôi nhớ khi đoàn làm phim tới và đưa cho tôi xem đoạn phóng sự, tôi không thể tin vào mắt mình. Tôi từng không nghĩ các cháu gái bé bỏng còn có thể trở về nhà được nữa", ông Anwar xúc động bày tỏ.
"Khadija nhớ rất rõ việc đi lấy nước khó khăn và nguy hiểm tới chừng nào. Vì vậy, khi trở về nhà, chúng luôn cảm thấy khát. Chúng uống nước liên tục, không ngừng tới 5 lít/ngày. Chỉ cách đây 3 tuần, điều lạ thường này mới chấm dứt. Chúng không còn thức dậy vào lúc giữa đêm để đòi uống nước nữa", ông Anwar cho biết thêm.
Rất nhiều gia đình ở khắp vùng Bắc Caucasus thuộc Nga vẫn đang tìm kiếm những đứa cháu thất lạc ở Syria và Iraq. Lời khuyên của ông Anwar dành cho họ là, "dù có bất kỳ điều gì, bất kỳ dấu hiệu nhỏ nào ám chỉ các cháu còn sống, hãy nắm lấy nó, chạy vạy khắp nơi và cầu khẩn sự cứu giúp. Vẫn còn những người tốt trên thế giới này".
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)