Theo Nikkei, hàng loạt thông tin về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 đang được lan truyền mạnh mẽ trên không gian mạng tại Trung Quốc, được cho là nhằm làm giảm tác động trong nước khi báo cáo điều tra nguồn gốc Covid-19 của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp đến thời hạn hoàn thành.
Những thuyết âm mưu làm rúng động Trung Quốc
Một thuyết âm mưu đã gây được sự chú ý khi cho rằng căn bệnh này bắt nguồn từ Italy.
"Italy là nguồn gốc của virus corona mới, Thủ tướng tiết lộ ngày hôm nay," là nội dung tiêu đề của một thông tin thất thiệt đã lan truyền trên mạng Internet từ tháng 6, nói rằng Thủ tướng Italy Mario Draghi thừa nhận rằng virus SARS-Cov-2 đã lây lan ở đất nước ông vào mùa hè năm 2019 - vài tháng trước khi các trường hợp Covid-19 thực tế đầu tiên được báo cáo tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Tình trạng trên được báo cáo khi cộng đồng tình báo Mỹ sắp kết thúc cuộc phân tích kéo dài 90 ngày, do Tổng thống Joe Biden ra lệnh vào cuối tháng 5 vừa qua, nhằm "điều tra triệt để" nguồn gốc dịch bệnh.
Hồi đầu tháng này, phóng viên của Nikkei cho biết nhận được một video clip từ một nguồn tin từng làm việc cho tổ chức trực thuộc chính phủ Trung Quốc. Video ghi lại hình ảnh từ camera giám sát một chuyến tàu điện ngầm ở Vũ Hán, cho thấy dường như một người phương Tây đang tháo khẩu trang và xoa nước bọt lên tay vịn.
"Người Mỹ phát tán virus trong Military World Games (Đại hội Thể thao Quân sự Thế giới)", phụ đề trong video đề cập sự kiện diễn ra vào tháng 10/2019 ở Vũ Hán. Nhưng địa điểm và thời gian xảy ra vụ việc trên tàu điện trong video đã không được xác nhận, và không có căn cứ để liên hệ với Mỹ.
Dù vậy, đoạn video vẫn làm dấy lên sự phẫn nộ trên mạng xã hội ở Trung Quốc. Nhiều người dùng mạng nước này lên án "người Mỹ thực sự khủng khiếp".
Giới chức Trung Quốc "xoay mũi giáo" trở lại Mỹ
Nikkei nhận định, nguồn gốc của Covid-19 là một chủ đề nhạy cảm đối với giới chức Trung Quốc. Các quan chức lo ngại rằng báo cáo sắp tới tình báo của Mỹ sẽ được sử dụng làm cơ sở để buộc Trung Quốc bồi thường thiệt hại. Đồng thời Trung Quốc cũng có thể sẽ vướng phải những tranh cãi trong nước.
Theo Nikkei, nhà chức trách Trung Quốc dường như có liên quan trực tiếp đến việc phát tán ít nhất một mẩu tin giả.
Bắt đầu từ cuối tháng 7, các tờ báo nhà nước Trung Quốc như Nhân dân Nhật báo đã trích dẫn một bài đăng trên Facebook của một người dùng tự xưng là nhà sinh vật học người Thụy Sĩ tên là Wilson Edwards. Bài đăng cho biết Mỹ đang cố gắng làm vô hiệu các kết luận của cuộc điều tra hồi đầu năm do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung Quốc cùng thực hiện, theo đó một vụ rò rỉ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là "cực kỳ khó xảy ra".
Vào ngày 10/8, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Bắc Kinh cho biết không có nhà sinh vật học Thụy Sĩ tên "Wilson Edwards" nào tồn tại đồng thời kêu gọi các phương tiện truyền thông và người dùng Internet Trung Quốc ngừng phổ biến câu chuyện sai sự thật đó.
Các quan chức Trung Quốc cũng đang nỗ lực nhấn mạnh những giả thuyết và nghi vấn của nước này nhằm vào Mỹ.
Vào ngày 6/8, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Osaka đã tweet từ tài khoản Twitter chính thức của họ một bài đăng gợi ý rằng Fort Detrick - phòng thí nghiệm quân sự ở bang Maryland của Mỹ, nên được điều tra về một vụ rò rỉ có thể xảy ra.
"Mọi thứ có ổn không với Fort Detrick, với hàng núi những cáo buộc?" dòng tweet, được viết bằng ngôn ngữ địa phương ở Osaka của Nhật Bản. "Bạn có chắc là virus corona không thực sự đến từ đó không?"
Vào ngày 13/8, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc đã cố gắng chuyển những nghi ngờ về nguồn gốc của Covid-19 trở lại Mỹ trong một cuộc họp ngắn với các phái viên ngoại giao.
"Gần đây, 25 triệu người Trung Quốc đã ký một lá thư chung yêu cầu một cuộc điều tra đối với Fort Detrick, phản ánh đầy đủ mối quan tâm hợp lý và yêu cầu chính đáng của người dân [Trung Quốc]", ông Mã nói.
Ông Mã Triêu Húc cũng phản đối cuộc điều tra mới về nguồn gốc của Covid-19 do WHO đề xướng vì cho rằng nó được thực hiện dựa trên cơ sở "mưu đồ chính trị" thay vì khoa học.
Nikkei cho biết, Trung Quốc còn có thể đang sử dụng công nghệ tiên tiến để tăng cường nỗ lực gây chấn động dư luận quốc tế với những thông tin liên quan đến nguồn gốc Covid-19.
WHO ngày 20/8 đã sẽ thành lập một nhóm chuyên gia nghiên cứu có nhiệm vụ đánh giá độc lập đối với toàn bộ phát hiện khoa học từ các nghiên cứu toàn cầu về nguồn gốc Covid-19. Các chuyên gia cũng sẽ tư vấn cho ban lãnh đạo WHO về phương hướng kế hoạch nghiên cứu tiếp theo về nguồn gốc đại dịch.
Theo Lưu Bình (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)