'Thủy triều đen' tấn công bờ biển Brazil

24/12/2019 10:00:53

Những vệt dầu loang dày đặc tàn phá nghiêm trọng các bãi biển Brazil trong gần 4 tháng qua, lan khắp bờ biển dài hơn 4.400 km của nước này. Dầu tràn vào các rừng ngập mặn, các rạn san hô, gây ra sự cố tràn dầu vô cùng tồi tệ.

'Thủy triều đen' tấn công bờ biển Brazil
Các tình nguyện viên trong một nỗ lực xử lý sự cố tràn trên bãi biển bang Pernambuco (Brazil).

Câu chuyện bắt đầu từ ngày 30/8 khi người dân ven biển Brazil đã kinh ngạc khi thấy nước biển đổi màu, mà lại là màu đen. Khi được thông báo, chính quyền đã tiến hành kiểm tra nhưng ban đầu việc giải thích không được người dân chấp nhận. Vì rằng cách giải thích không chỉ rõ nguyên nhân chính (hoặc là duy nhất) là do dầu bị tràn ra.

Tính tới nay, dầu đã làm ô nhiễm hơn 950 bãi biển. Bãi biển nổi tiếng Porto de Galinhas của bang Pernambuco và bãi biển Praia do Forte ở bang Bahia cũng không thoát khỏi nạn “thủy triều đen”. Bùn đất tấn công 127 đô thị và 11 bang ở Brazil. Trong một nỗ lực tìm kiếm nguyên nhân, Hải quân Brazil đã lấy mẫu dầu để kiểm tra và phát hiện rằng ra nó có cùng đặc tính với dầu thô có nguồn gốc từ Venezuela - có nghĩa là một sự cố tràn dầu. Tuy nhiên, cáo buộc này đã bị Caracas và Công ty Dầu khí quốc gia PDVSA phủ nhận.

Một báo các khác (thuộc Viện Kỹ thuật thuộc Trường Đại học Liên bang Coppe ở bang Rio de Janeiro) lại cho rằng, sau khi xem xét các yếu tố như dòng hải lưu và gió trong 80 ngày trước khi các cụm dầu đầu tiên xuất hiện, có thể dầu tràn “chỉ đến từ một nơi cách bờ biển không quá 300km”- điều đó cũng có nghĩa là rất có thẻ các công ty khai thác dầu khí của chính Brazil đã gây ra nạn tràn dầu. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu Không gian quốc gia Brazil (INPE) lại cho rằng dầu di chuyển từ bờ biển phía Nam châu Phi vào tháng 4 đến bờ biển Brazil vào tháng 9, ảnh hưởng rất xấu cho tới thời điểm này.

Chưa hết, một số nhà điều tra Brazil nghi ngờ Bouboulina- một tàu chở dầu mang cờ Hy Lạp thuộc sở hữu của Công ty Delta Tankers- là thủ phạm gây ra sự cố tràn dầu…

Dầu loang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ động vật của Brazil. Tính đến ngày 23/12, tổng cộng 159 động vật bị ảnh hưởng, 109 trong số đó chết. Loài bị ảnh hưởng nhiều nhất là rùa biển vì chúng chậm hơn các loài khác trong việc nhận thức mối đe dọa- theo Francisco Kelmo - Giám đốc Viện Sinh học của Trường Đại học Liên bang Bahia (UFBA).

Theo giới chuyên gia môi trường, thảm họa tràn dầu gây ra hậu quả lâu dài cho môi trường. “Chúng tôi không cho rằng sự cân bằng hệ sinh thái ở đây có thể được phục hồi trong vòng ít nhất 10-12 năm nữa”- ông Kelmo, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này của Brazil cho biết và thêm rằng “những thiệt hại và hậu quả đối với khu vực ven biển và đối với những người phụ thuộc vào nghề đánh bắt cá là rất nghiêm trọng”.

Tới nay, thế giới đã ghi nhận nhiều vụ tràn dầu gây hậu quả nghiêm trọng và kéo dài. Trong đó có thể kể đến việc trong chiến tranh Vùng Vịnh (năm 1991), khi quân đội Iraq rút khỏi Kuwait họ đã mở tất cả các van của giếng dầu và phá vỡ các đường ống dẫn dầu nhằm ngăn cản bước tiến của quân đội Mỹ. Kết quả là một lượng dầu lớn nhất trong lịch sử đã phủ lên Vịnh Ba Tư, tương đương diện tích đảo Hawaii. Người ta cho rằng khoảng 1.500 thùng dầu bị tràn ra ngoài mỗi ngày. 7 tháng sau, sự cố mới được khắc phục, nhưng di hại của nó thì còn kéo dài cả chục năm sau đó.

Còn sự cố của giàn Deepwater Horizon, của Hãng dầu khí BP trong khu vực mỏ dầu khí Macondo, xảy ra vào ngày 20/4/ 2010 đã khiến 11 người thiệt mạng và làm 17 người khác bị thương. Tai nạn này khiến cho giàn khoan này bị bốc cháy và chìm, gây ra tràn dầu ở một khu vực rộng lớn trong vịnh Mexico gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống hoang dã trong khu vực, đến ngành ngư nghiệp và du lịch các nước trong khu vực chịu ảnh hưởng. Theo chuyên gia tư vấn năng lượng của Nhà Trắng- Carol Browner- lượng dầu đổ vào Vịnh Mexico lớn hơn so với bất kỳ lần nào trước đó, với 60.000 thùng dầu mỗi ngày.

Trở lại với vụ tràn dầu hiện nay tại Brazil, cho dù nguyên nhân chưa được xác định rõ ràng nhưng hậu quả là rất nghiêm trọng. Và, nói như một bình luận viên của Reuters thì “bỏ qua những bàn cãi, người ta còn phải chịu đựng thảm họa môi trường này ít nhất trong vòng 1 năm nữa”.

Theo Thế Tuấn (Đại Đoàn Kết)