Daily Mail trích dẫn khuyến nghị của Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển mới đây cho biết, trẻ em dưới 2 tuổi nên tránh xa hoàn toàn các phương tiện truyền thông kỹ thuật số và truyền hình. Riêng trẻ từ 2 - 5 tuổi chỉ nên tiếp xúc thiết bị này 1 giờ mỗi ngày, trẻ từ 6 - 12 tuổi không nên xem màn hình quá 1 hoặc 2 giờ mỗi ngày.
Bộ trưởng Bộ Y tế Công cộng Thụy Điển Jakob Forssmed cho biết: "Trong thời gian dài, điện thoại thông minh và các thiết bị kỹ thuật số đã xâm nhập vào cuộc sống của trẻ em".
Thông tin này xuất hiện sau khi 1 nghiên cứu phát hiện ra rằng trẻ sử dụng điện thoại hoặc xem tivi vào giờ ăn làm tăng nguy cơ thừa cân, Daily Mail cho biết.
Cũng theo cơ quan này, thanh thiếu niên từ 13 - 18 tuổi chỉ nên xem tivi hay điện thoại khoảng 2 - 3 giờ mỗi ngày.
Ông Forssmed còn cho biết thêm rằng, hiện thanh thiếu niên Thụy Điển từ 13 - 16 tuổi dành trung bình 6 tiếng rưỡi mỗi ngày trước màn hình máy tính, ngoài giờ học. Do đó, trẻ không có nhiều thời gian cho các hoạt động cộng đồng, hoạt động thể chất và đặc biệt là tình trạng thiếu ngủ ở trẻ. Vị bộ trưởng cũng đưa ra lời cảnh báo rằng, hiện nay, hơn một nửa thanh thiếu niên ở quốc gia Bắc Âu này cũng không ngủ đủ giấc.
Cơ quan này cũng khuyến cáo trẻ không nên xem tivi, máy tính bảng hay điện thoại trước giờ đi ngủ và không nên để các thiết bị này trong phòng ngủ vào ban đêm.
Bài báo cũng trích dẫn nhiều nghiên cứu cho thấy việc trẻ ngồi trước màn hình máy tính quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng ngủ kém, trầm cảm.
Chính phủ Thụy Điển cho biết đang xem xét lệnh cấm điện thoại thông minh ở các trường tiểu học.
Vào tháng 1/2024, một nghiên cứu phát hiện ra rằng việc cho trẻ mới biết đi xem iPad chỉ 1 giờ mỗi ngày có thể làm suy giảm khả năng nhận thức thế giới của trẻ.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Drexel ở Philadelphia phát hiện rằng, trẻ 1 tuổi xem màn hình điện thoại có nguy cơ tăng gấp đôi nguy cơ gặp các vấn đề về hành vi cảm giác sau này so với trẻ không tiếp xúc với phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Ví dụ mà các nhà nghiên cứu đưa ra là hiện tượng trẻ không có khả năng phản ứng dù được gọi tên nhiều lần.
QT (SHTT)