Mấy giây vào thang máy vẫn dán mắt vào điện thoại, mặc kệ con
Những câu chuyện về cách ứng xử nơi công cộng như thang máy chung cư, xe bus, trung tâm thương mại, quán xá,... luôn được cư dân mạng quan tâm. Câu chuyện được hot dad Kiên Hoàng chia sẻ mới đây là ví dụ điển hình.
Theo đó, một gia đình có con nhỏ bước vào thang máy nhưng bố mẹ chỉ lướt điện thoại, không ngó ngàng đến con. Sau đó, lúc đi ra thì cả 2… quên con. Đi được vài bước, người mẹ chợt nhớ ra liền chạy lại cửa thang máy quát: “Đi, mau lên” còn bố vẫn lướt điện thoại. Cũng là người làm bố nên hành động này khiến Kiên Hoàng không khỏi suy nghĩ, anh mong mọi người bớt lướt điện thoại và để ý con, tránh những chuyện đau lòng có thể xảy ra.
Nguyên văn chia sẻ của Kiên Hoàng:
Nhiều khi mình chỉ mong cha mẹ khi đi vào thang máy hoặc đi thang cuốn cùng trẻ nhỏ có thể bỏ ra vài giây dừng lướt điện thoại để để ý các con.
Hôm trước đi thang máy ở chung cư, mình đứng trước trong thang, lúc sau thang máy mở ra 1 gia đình bước vào. Bố cầm 1 điện thoại lướt lướt video để max volume. Mẹ cầm 1 điện đang xem livestream, đứa con tầm 3 tuổi cầm 1 xe ô tô đồ chơi. Trong thang mỗi người 1 góc không ai nói gì chỉ có tiếng điện thoại.
Thang máy tới nơi 2 bố mẹ vẫn nhìn điện thoại bước ra ngoài, còn không ngoái lại nhìn đứa con đằng sau, thằng bé thì mải chơi ô tô cứ lướt lướt trên tường thang máy. Xong tiếng bà mẹ nói vọng lên: "Ơ đâu rồi" rồi chạy lại chỗ cửa thang máy quát: "Đi, mau lên". Ông bố thì vẫn cắm mặt lướt điện thoại.
Mình nghĩ rằng mình cũng đã từng có lúc mải mê làm gì đó trên điện thoại mà không để ý đến con. Nhưng sự việc hôm trước, ai làm việc người đó trong cái không gian bé tí làm mình hơi suy nghĩ. Cũng có nhiều chuyện đau lòng với trẻ nhỏ liên quan tới thang máy rồi. Nếu thực sự đang không có việc gì gấp gáp thì mong các bố mẹ để ý các em 1 tí, kẻo nhiều khi chỉ vài giây thôi nhưng lại hối hận cả đời.
Sau khi Kiên Hoàng đăng tải, bài đăng đã nhanh chóng thu hút sự chú ý từ dân mạng, có đến 160k lượt tiếp cận trên Threads chỉ trong 1 ngày. Ai nấy đều bất bình trước sự thờ ơ của cặp bố mẹ nói trên với an toàn, thậm chí là tính mạng con. Đặc biệt, nhiều người còn chia sẻ tình huống tương tự, đôi khi còn quá quắt hơn:
- Hôm nọ đi thang máy em gặp trường hợp mẹ cắm mặt điện thoại bước vào trước, con chắc mới chập chững tập đi lẽo đẽo theo sau. Bé bước chậm nên tới cửa thang là lúc tự động đóng, em phải giơ cả tay cả chân ra cản cửa muốn thót tim. Mẹ bé ngước nhìn như không có gì rồi lại lướt điện thoại tiếp.
- Đợt mình đi coi phim ở 1 TTTM, có bà kia dẫn con vô thang máy mà không để ý gì. Con thì quậy đứng cứ sờ sờ cửa, không sao mà để tay trượt quấn vô mép cửa thang lúc thang mở. Mẹ nó hoảng quá mắng tất cả mọi người không trông con bả. Ai cũng ngao ngán…
- Chưa bàn đến việc quan tâm đến con nhưng em thấy riêng việc vào thang máy (1 không gian kín và hẹp) mà cứ vặn max volume thật sự là rất bất lịch sự. Chưa kể nhiều trường hợp bố mẹ cũng để mấy bé hét rất to hoặc nhảy uỳnh uỵch trong thang mà không hề nhắc nữa. Nhiều khi chủ động nhắc lịch sự người ta nhưng còn bị lườm nguýt vì bắt nạt trẻ con.
- Có mẹ còn lo bấm điện thoại, mặc con leo trèo chỗ để tay bám trong thang, con đu lên bung cả 1 bên ốc, nhảy rầm rầm nữa. Em đi thang chuyến đó mà tim tưởng lọt ra ngoài rồi.
Đừng lấy câu "trẻ con biết gì" làm lá chắn
Từ trước đến nay có rất nhiều vụ việc bố mẹ không nhắc nhở con nhỏ ở nơi công cộng, gây nguy hiểm cho chính con và làm ảnh hưởng đến người xung quanh. Một số bố mẹ không chỉ bỏ bê, không hề quan tâm đến con mà còn dung túng cho con với câu cửa miệng “còn nhỏ đã biết gì đâu”.
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Giáo dục Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội vào năm 2022, cha mẹ cần hết sức chú ý dạy dỗ trẻ phép tắc ứng xử nơi công cộng.
Chuyên gia cho biết, rất nhiều trẻ có biểu hiện "đi ra ngoài mà nói to, nói leo, nói trống không, không chào hỏi, chạy lung tung, la hét, tọc mạch, chen lấn, xô đẩy, nghịch phá đồ đạc của người khác hoặc nơi khác". Thế nhưng, nhiều cha mẹ lại không chú trọng việc dạy trẻ cư xử đúng cách, thậm chí cho rằng mọi người phải "cảm thông" với những hành động này vì... trẻ chưa biết gì. Những hình ảnh thật sự phản cảm, gây khó chịu cho mọi người xung quanh cũng như sự an toàn của trẻ diễn ra vô cùng tự do.
Vì vậy theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, chính cha mẹ cần giữ gìn trật tự nơi công cộng, nói chuyện lịch sự để làm tấm gương cho con. Riêng ở nơi có thang máy, chuyên gia đưa ra lời khuyên về việc bố mẹ cần làm:
“Tại nơi có thang máy, chúng ta nên yêu cầu con sử dụng đúng cách và văn hóa. Tránh đường cho người bên trong ra trước hết rồi mới bước vào. Bấm tầng của mình và không nghịch các nút khác tránh làm hỏng và rơi thang máy. Giữ trật tự trong khi di chuyển, đứng nép vào một bên cho người khác có chỗ đứng”.
Về phía lực lượng chức năng, các đơn vị phụ trách PCCC&CNCH cho biết trong thực tế, những sự cố trong thang máy không hiếm gặp, nhất là khi những tòa chung cư, trung tâm thương mại, gia đình... sử dụng thang máy ngày càng nhiều. Vì vậy phụ huynh không để con tự ý đùa nghịch, vui chơi gần khu vực cửa thang máy. Đối với những trẻ từ 5 tuổi trở xuống, tuyệt đối không để bé đi thang máy một mình, đồng thời luôn để ý tới bé khi đang đi thang máy hoặc thang cuốn.
Trong lúc di chuyển, phụ huynh cần để con đứng ở phần giữa của thang máy, nhắc nhở trẻ không được chạm tay, chân vào cửa thang. Phụ huynh cũng cần có biện pháp hướng dẫn hoặc quản lý để trẻ không la hét ầm ĩ, chạy nhảy trong thang máy hoặc nghịch bảng điều khiển thang máy.
Ngoài ra, phụ huynh cũng được khuyến cáo cần tránh xa những thang máy thường xuyên hỏng hóc hoặc đang sửa chữa.
Theo S.A (Phụ Nữ Số)