Thụy Điển 'một mình một kiểu' chống Covid-19

28/03/2020 08:14:43

Trẻ em Thụy Điển tiếp tục đến trường, hàng quán vẫn mở cửa, nhiều người đổ xô tới công viên tận hưởng nắng xuân giữa "bão Covid-19".

Bất chấp số ca nhiễm nCoV gia tăng và ngày càng nhiều ý kiến bất bình của các nhà dịch tễ học, các chuyên gia y tế của chính phủ Thụy Điển ngày 25/3 vẫn bảo vệ quan điểm không phong tỏa đất nước và đóng cửa nền kinh tế, như cách hầu hết thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã làm trong cuộc chiến chống Covid-19.

Ander Tegnell, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của chính phủ Thụy Điển, cho rằng chiến lược chống Covid-19 "một mình một kiểu" này của Stockholm cho thấy cách thức hoạt động độc lập của các cơ quan chính phủ như Cục Y tế Công cộng, cũng như sự miễn cưỡng của các chính trị gia trong việc khước từ khuyến nghị từ các chuyên gia.

Thụy Điển 'một mình một kiểu' chống Covid-19
Người dân Thụy Điển vẫn tập trung tại một nhà hàng ở Stockholm hôm 26/3. Ảnh: Reuters.

"Vị trí chuyên gia của tôi có vẻ không có thực quyền, nhưng các cơ quan ở Thụy Điển làm việc với nhau theo một thể thống nhất. Đây không phải là những quyết định tôi tự đưa ra trong văn phòng nhỏ của mình", Tegnell nói.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng bản thân sẽ hứng chỉ trích nếu tỷ lệ nhiễm nCoV tăng nhanh và Thụy Điển đối mặt với hoàn cảnh tương tự Italy hay Tây Ban Nha.

"Dĩ nhiên, tôi và cơ quan sẽ bị đổ lỗi. Tôi cũng ý thức được điều đó. Nhưng tôi còn cảm thấy tệ hơn nếu đưa ra nhiều quyết định cho những thứ không chắc chắn và những điều sai lầm. Thay vào đó, chúng tôi muốn đưa ra những quyết sách mà mình chắc chắn hơn nhiều", ông nói.

Trong khi hai quốc gia láng giềng là Na Uy và Đan Mạch đã ra lệnh đóng cửa tất cả trường học và cấm tụ tập trên 10 người để ngăn Covid-19, cuộc sống ở Thụy Điển hầu như không thay đổi.

Chính phủ chỉ cấm những sự kiện trên 500 người tham dự, khuyến nghị người hay vào quán rượu và nhà hàng nên ngồi bàn riêng thay vì ngồi ở quầy, đồng thời khuyên mọi người chỉ sử dụng phương tiện công cộng trong trường hợp thực sự cần thiết. Những người bị ốm và có triệu chứng giống như nhiễm nCoV chỉ cần đợi thêm hai ngày sau khi khỏe lại để tiếp tục đi làm hoặc đi học.

Những lời khuyên này không thay đổi ngay cả khi số ca nhiễm nCoV ở Stockholm tăng vọt trong những ngày gần đây, khiến Giám đốc Sở Y tế thành phố Björn Eriksson kêu gọi mọi người giúp đỡ để ngăn dịch lây lan.

"Bão đang xuất hiện ở đây. Chúng tôi không biết nó đã xuất hiện trong bao lâu nhưng chắc chắn nó sẽ ngày càng tệ hơn", Eriksson nói và thêm rằng có 18 bệnh nhân đã chết ở khu vực này trong 24 giờ qua, gấp đôi số người chết được cập nhật hàng ngày.

Nhiều người dân Thụy Điển có những phản ứng trái chiều về chiến lược chống dịch kiểu "ngược đường" của chính phủ.

"Tôi nghĩ nó hơi vô trách nhiệm. Họ nên làm nhiều hơn thế", một phụ huynh đón con gái ở cổng trường Västra Skolan tại Malmö nói về cách làm trái ngược của Thụy Điển so với quê hương Đan Mạch của anh.

Anh cũng phàn nàn rằng nhiều đứa trẻ có bố mẹ bị ốm, có triệu chứng giống nhiễm nCoV, vẫn được cho phép vào lớp, miễn là bản thân chúng không có triệu chứng bệnh.

"Tôi nghĩ họ đã quá xem nhẹ nó. Hầu như mọi nơi vẫn mở cửa và tình hình sẽ ngày càng xấu đi. Mọi người đều thấy lo lắng về nó", Rosaline Abugiche nói khi tới trường đón con gái Ellen Ruth.

Nhưng một số phụ huynh lại cảm thấy thoải mái hơn. "Tôi nghĩ Thụy Điển và Anh là số ít quốc gia có cái nhìn thực sự khách quan về toàn bộ sự việc, nhưng Anh sau đó đã sợ hãi và đóng cửa đất nước", Johan Heander, một phụ huynh, cho hay.

Thụy Điển quyết định không đóng cửa trường học bởi ở đất nước này, chuyện cha mẹ ở nhà trông con là điều chưa từng có. Giới chức y tế tin rằng động thái này sẽ khiến đất nước mất đi ít nhất 1/4 lực lượng lao động và thậm chí là một tỷ lệ cao hơn trong lĩnh vực y tế. Đóng cửa trường học cũng sẽ khiến nhiều đứa trẻ đi chơi bên ngoài, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho người cao tuổi. Nếu ông bà được nhờ trông cháu, họ thậm chí còn đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.

Tegnell tranh luận rằng có rất ít bằng chứng cho thấy hiệu quả của biện pháp phong tỏa đang được thực hiện khắp châu Âu.

"Họ chỉ nghiên cứu về cúm, nhưng cúm rất khác và ngay cả khi phải đóng cửa vì cúm, biện pháp này cũng nên được thực hiện ở giai đoạn sau. Hơn nữa, bạn không thể đóng cửa trường học trong một thời gian dài. Nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ em, không chỉ về mặt giáo dục mà còn về sức khỏe. Do đó, nếu có phải đóng cửa trường học, bạn nên làm điều đó vào thời điểm quan trọng nhất", Tegnell nói.

Ông cũng lưu ý rằng, không giống Tây Ban Nha và Italy, các gia đình nhiều thế hệ sống chung rất hiếm thấy ở Thụy Điển, nên nước này sẽ dễ dàng cách ly những người già dễ bị tổn thương nhất.

"Chúng tôi có sự phân biệt thế hệ rất rõ ràng ở Thụy Điển và đây chắc chắn là điều khá khác biệt so với các quốc gia châu Âu còn lại. Người già chỉ gặp gỡ người già và thanh niên chỉ tiếp xúc với người đồng trang lứa. Tôi nghĩ điều đó mang tới cho chúng tôi cơ hội tốt hơn để bảo vệ những người cao tuổi", ông nói.

Nhưng giới chuyên gia lại bất đồng quan điểm về cách chống Covid-19. Ngày 10/3, một nhóm bác sĩ cùng nhà nghiên cứu đã đăng bài viết trên tờ báo y khoa hàng đầu Thụy Điển để cảnh báo về "tác động khủng khiếp" có thể xảy ra với nền y tế nước này nếu không có những hành động quyết liệt hơn.

Thụy Điển 'một mình một kiểu' chống Covid-19 - 1
Nhân viên y tế trong phòng điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Karolinska, Stockholm. Ảnh: Claudio Bresciani.

Hôm 24/3, hơn 2.000 nhà nghiên cứu và giáo sư đại học nổi tiếng đã gửi một bức thư kiến nghị tới chính phủ để kêu gọi đưa ra biện pháp ngăn dịch mạnh tay hơn.

"Tôi có cảm giác rằng họ muốn để cho dịch lây lan tự nhiên để tạo miễn dịch cộng đồng, nhưng đó là biện pháp đáng sợ phải trả giá bằng tính mạng của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người", Olle Kämp, giáo sư tại Học viện Karolinska, đại học y hàng đầu Thụy Điển và là một trong số tác giả của bức thư, cho biết.

Hiện giờ còn quá sớm để nói đại dịch sẽ diễn tiến thế nào. Thụy Điển đã phát hiện 2.840 ca nhiễm, trong đó có 77 ca tử vong, xếp thứ 21 trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trên thế giới. Riêng thủ đô Stockholm đã ghi nhận 66 người chết, tương tương 6,5 ca tử vong trên một triệu dân, tính đến ngày 25/3.

Hệ thống y tế Thụy Điển đến nay mới bắt đầu cảm nhận tình hình căng thẳng ở Stockholm. Nếu tình hình diễn tiến nghiêm trọng hơn, quân đội Thụy Điển sẽ triển khai bệnh viện dã chiến tại một trung tâm hội nghị lớn nhất thành phố.

Tegnell thừa nhận chiến lược của ông không phải không có rủi ro. "Chúng tôi chỉ cố gắng làm chậm tốc độ của Covid-19 bởi dịch bệnh này sẽ không thể biến mất. Nó sẽ quay lại dù bạn kiểm soát nó. Như Hàn Quốc cũng thừa nhận họ tin rằng nó sẽ trở lại. Ngăn chặn sự lây nhiễm hoàn toàn thậm chí có thể phản tác dụng, bởi bạn đang dồn nén nguy cơ lây nhiễm và một khi cánh cổng mở ra, nó có thể dẫn tới một kết cục nghiêm trọng hơn rất nhiều", Tegnell nói.

Theo Thanh Tâm (VnExpress.net)

Nổi bật