Kết quả thử nghiệm lenacapavir ấn tượng tới mức quá trình phát triển loại thuốc này được tuần san Science đánh giá là "thành tựu đột phá của năm 2024".
"Đây có thể là bước tiến quan trọng trong nỗ lực đẩy lùi HIV/AIDS, để căn bệnh không còn là khủng hoảng y tế toàn cầu," tuần san Science đánh giá.
Nghiên cứu mang tên PURPOSE 2, được tài trợ bởi công ty Gilead Science, đơn vị sản xuất lenacapavir, đánh giá loại thuốc này hiệu quả tới 96% trong việc ngăn chặn lây nhiễm HIV trong thử nghiệm lâm sàng đối với 3.200 nam giới, người chuyển giới nam, người chuyển giới nữ và người phi nhị nguyên giới tính đã quan hệ tình dục với nam giới. Nghiên cứu được thực hiện ở các nước Argentina, Brazil, Mexico, Peru, Nam Phi, Thái Lan và Mỹ, theo NPR.
Trước đó, lenacapavir đã được thử nghiệm trong một nghiên cứu tên gọi PURPOSE 1, với 5.300 phụ nữ tại Nam Phi và Uganda, với kết quả ban đầu được đánh giá 100%. Gilead Sciences cho biết không có phụ nữ nào tham gia thử nghiệm thuốc từ tháng 08/2021 nhiễm HIV.
Quá trình phát triển thuốc lenacapavir dựa trên nhiều năm nghiên cứu cấu trúc và tính năng vỏ bọc protein bên ngoài của virus HIV. Lenacapavir có khả năng làm cứng protein này, khiến virus không thể tự nhân bản.
Phó giáo sư dược Ethan Weld tại Trường Dược Đại học Johns Hopkins mô tả kết quả thử nghiệm PURPOSE 1 và PURPOSE 2 là "thay đổi lớn trong nỗ lực ngăn ngừa HIV".
Lenacapavir được thiết kế dạng tiêm hai lần mỗi năm, hứa hẹn sẽ mang lại thay đổi lớn trong cách ngăn ngừa HIV hiện nay là phải uống thuốc Truvada mỗi ngày. Loại thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) này có hiệu quả ngăn chặn HIV qua đường tình dục tới 99% trong các thử nghiệm lâm sàng, nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả như vậy trên thực tế.
Lý do một phần là bởi nhiều người không muốn uống thuốc. Nghiên cứu tại Nam Phi cho thấy phụ nữ cảm thấy không thoải mái khi phải uống thuốc, bởi bạn tình của họ sẽ nghĩ rằng họ đã nhiễm HIV, hoặc họ có đối tượng tình dục khác. Nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều yếu tố ngăn cản nam giới quan hệ đồng tính uống thuốc, chẳng hạn như chưa thể tiếp cận thuốc, cảm thấy không tiện, hoặc các quan điểm cho rằng uống thuốc là không cần thiết. Một nghiên thứ cho thấy thuốc PrEP dạng uống dường như chỉ có hiệu quả khoảng 26% ở một số nhóm người dùng, chẳng hạn như nam giới dưới 30 tuổi.
Nhiều người tham gia nghiên cứu PURPOSE 1 và PURPOSE 2 được chỉ định uống PrEP thay vì tiêm lenacapavir đã không kiên trì sử dụng thuốc uống, theo MessageWeld.
"Việc phải uống thuốc hàng ngày có thể tạo ra gánh nặng cho từng cá nhân, gánh nặng đó thậm chí nặng nề hơn với người khỏe mạnh không cảm thấy bản thân đau ốm. Một loại thuốc tiêm hai lần một năm có hiệu quả ngăn chặn HIV cao sẽ giúp người dùng giảm bớt các bước mà họ phải làm để bảo vệ bản thân. Điều đó khiến họ coi lenacapavir gần giống như một loại vaccine," phó giáo sư Eric Weld nhận xét.
Cecile Tremblay, nhà nghiên cứu HIV tại Đại học Montreal đánh giá cao hiệu quả của thuốc ở khu vực Hạ Sahara, nơi đại dịch HIV/AIDS vẫn còn là gánh nặng. Dù dân số chỉ chiếm 10% thế giới, các nước châu Phi Hạ Sahara chiếm khoảng 2/3 số bệnh nhân nhiễm HIV toàn cầu. Mỗi tuần có khoảng 4.000 trẻ em gái và phụ nữ trẻ ở châu Phi nhiễm mới HIV.
"Lenacapavir không chỉ cực kỳ hiệu quả, mà hiệu quả của thuốc đã được chứng minh với dân số nữ giới khu vực châu Phi Hạ Sahara, nơi dịch bệnh HIV/AIDS còn rất nặng nề. Thuốc PrEP dạng uống không đạt hiệu quả cao do thành kiến và phân biệt đối xử," bà Treblay cho biết.
Hồ Anh (SHTT)