Malaysia phải học cách ứng phó với Trung Quốc
Trong bài phỏng vấn đặc biệt với Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã có những chia sẻ thẳng thắn về mối quan hệ chiến lược giữa Malaysia và Mỹ - Trung Quốc.
Theo ông, nếu buộc phải chọn một bên trong cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc có ảnh hưởng lớn về mặt địa chính trị trên thế giới, Malaysia sẽ đứng về phía Bắc Kinh.
Ông Mahathir cho rằng sự bất ổn của Mỹ là một yếu tố bất lợi mặc dù mối quan hệ của Malaysia với Trung Quốc cũng không "ổn định" vì nhiều vấn đề.
Thủ tướng Malaysia cho hay, mục tiêu cuối cùng cần đạt được là học cách hợp tác với những cường quốc hơn là để nỗi sợ hãi làm ảnh hưởng tới quyết định của chính phủ. Cụ thể, ông Mahathir khẳng định Malaysia sẽ không bị lung lay bởi những cáo buộc của phương Tây rằng công ty công nghệ Huawei đang làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc.
"Khi Trung Quốc còn nghèo khó, chúng ta [Malaysia] sợ Trung Quốc. Khi Trung Quốc giàu có, chúng ta cũng sợ Trung Quốc. Tôi nghĩ Malaysia phải có cách ứng phó với Trung Quốc."
Ông Mahathir lấy dẫn chứng từ lịch sử: "Chúng tôi luôn kể đi kể lại câu chuyện rằng Malaysia đã là nước láng giềng với Trung Quốc trong hơn 2.000 năm và chưa từng bị Trung Quốc chinh phục. Nhưng khi người châu Âu tới vào năm 1509, họ khuất phục chúng tôi chỉ sau 2 năm".
Và, khi mối nghi ngại từ phương Tây vẫn tiếp tục được khắc sâu từ những vấn đề như an ninh mạng cho tới can thiệp chính trị trong nước, ông Mahathir cho biết chính phủ của ông sẽ tự đưa ra quyết định độc lập trong việc ứng phó với đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia hơn là nhận lời gợi ý từ nước ngoài.
"Thực ra mọi chuyện phụ thuộc vào việc họ cư xử như thế nào. Gần đây nước Mỹ rất bất ổn," ông Mahathir nói.
"Hiện tại, Malaysia phải chấp nhận rằng Trung Quốc ở rất gần. Và là một thị trường khổng lồ. Chúng tôi muốn hưởng lợi từ nền kinh tế tăng trưởng mạnh của Trung Quốc."
Ông Mahathir khẳng định tất cả chỉ vì mục đích kinh tế thuần túy.
"Vậy nên tại thời điểm này, chúng tôi ưu tiên Trung Quốc hơn. Tất nhiên, về mặt chính trị, chúng tôi không thích chính phủ Trung Quốc."
Theo các nhà phân tích, lời bình luận của ông Mahathir cho thấy quan điểm gay gắt của ông đối với nền kinh tế lớn nhất châu Á đã có phần mềm mỏng hơn.
Quan điểm về Huawei
Trong năm qua, các nước phương Tây đã tỏ ra lo ngại rằng Trung Quốc đang tận dụng công ty công nghệ viễn thông Huawei để thu thập tin tức tình báo từ những quốc gia khác, và những khoản vay của Bắc Kinh đối với các nước đang phát triển - một phần trong sáng kiến "Vành đai Con đường" của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình - là "bẫy nợ ngoại giao" mà nhiều nước không thể thoát khỏi.
Nói về vấn đề này, ông Mahathir cho biết Malaysia đang "theo dõi sát sao" liệu mạng internet thế hệ mới, tốc độ cao mang tên "5G" của Huawei có là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Malaysia hay không.
Mỹ và Australia là những quốc gia phương Tây đã giới hạn sự tham gia của Huawei trong việc phát triển mạng lưới 5G với lí do rằng Huawei sẽ cài đặt "cửa hậu" công nghệ để mở đường cho chính phủ Trung Quốc thu thập thông tin.
Hôm 7/3, Huawei tuyên bố sẽ kiện chính phủ Mỹ, cho rằng lệnh cấm của Washington đối với các cơ quan chính phủ, nhân viên và nhà thầu Trung Quốc là "vi hiến".
Ông Mahathir nói: "Tại thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa phát hiện thấy mối đe dọa nào đối với an ninh quốc gia. Chưa thấy, và có thể sau này sẽ thấy".
"Nhưng chúng tôi không thể làm theo những quốc gia khác bởi vì công nghệ Trung Quốc dường như đã đi trước phương Tây rất nhiều".
Bẫy nợ Trung Quốc
Ông Mahathir cũng nhắc tới cáo buộc về "bẫy nợ" Trung Quốc. Các quốc gia phương Tây thường xuyên nhắc tới ví dụ điển hình ở Sri Lanka - quốc gia phải cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm sau khi không đủ khả năng trả khoản nợ khổng lồ cho Bắc Kinh.
Tuy nhiên ông Mahathir bày tỏ rằng các chính quyền có quyền tự do quyết định có nhận khoản vay nợ nước ngoài hay không.
"Người Trung Quốc rất giỏi kinh doanh. Họ luôn nhìn thấy cơ hội và sử dụng tiền để thâm nhập những thị trường mà họ chưa từng tham gia hoặc tham gia ở quy mô nhỏ."
"Nhưng quốc gia được Trung Quốc để mắt tới cần phải phân biệt rõ họ cần gì và những gì có thể cho phép được, những gì không thể. Nếu những nước này muốn vay một khoản tiền khổng lồ, thì đó là quyết định của họ."
"Một khi đã quyết, họ biết rằng dòng tiền chảy vào đất nước sẽ có ảnh hưởng nhất định tới cả quốc gia. Vậy nên những nước này cần phải đảm bảo rằng nguồn tiền đổ vào không phải là tiền vay mượn, không phải là tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, mà chỉ nên giới hạn là tiền đầu tư cho các quy trình sản xuất".
Tuy nhiên, khi được hỏi về giả thuyết "bẫy nợ", ông Mahathir nói: "Tất nhiên, đó là một cách mua ảnh hưởng. Tất cả đều phụ thuộc vào chính chúng ta".
Từ khi nhậm chức, chính quyền ông Mahathir đã nhanh chóng "giải quyết" những dự án cơ sở hạ tầng liên kết với Trung Quốc được cho là quá tốn kém và không cần thiết đã được kí dưới thời thủ tướng tiền nhiệm Najib Razak.
Trong số này, dự án tiêu biểu nhất là dự án Đường sắt Bờ Đông trị giá 13 tỉ USD, hiện vẫn đang được xem xét.
Khi được hỏi về tương lai của công trình nói trên, ông Mahathir nói sẽ "sẵn sàng lắng nghe" khi ông tới thăm Bắc Kinh vào tháng 4 trong cuộc gặp thượng đỉnh Vành đai Con đường lần thứ 2 được chủ trì bởi ông Tập Cận Bình.
Mặc dù chưa có ngày chính thức, nhưng các nguồn tin ngoại giao cho biết sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 25-27/4.
"Tôi sẽ tới Trung Quốc bởi tôi muốn nghe thêm về Vành đai Con đường và cùng lúc giải thích quan điểm của Malaysia đối với chính sách này của Trung Quốc."
"Nhưng cho dù chúng tôi nhìn nhận thế nào về Trung Quốc, chúng tôi cũng phải thừa nhận rằng quốc gia này là một cường quốc. Họ [Trung Quốc] có sức ảnh hưởng lớn trong khu vực và chúng tôi sẽ phải ứng phó với họ. Chúng tôi cần phải hiểu chiến lược của họ và điều chỉnh chính sách của Malaysia để nhận được lợi ích trong mối quan hệ với Trung Quốc."
"Chúng ta đều thấy rằng Trung Quốc có sức mạnh kinh tế, và Bắc Kinh sẽ tận dụng sức mạnh ấy để đạt được thành quả tốt nhất cho Trung Quốc - họ sẽ tiếp tục giàu có hơn, và đây cũng là tham vọng của tất cả các quốc gia."
"Các quốc gia Đông Nam Á cần phải có một quan điểm chung. Chúng ta không nên ứng phó với Trung Quốc như từng quốc gia đơn lẻ và chỉ nghĩ về lợi ích của mình trong khi những quốc gia khác chịu thiệt thòi," ông Mahathir khẳng định.
Theo Tất Đạt (Soha/Trí Thức Trẻ)