Theo báo Guardian, khi nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein xúc tiến kế hoạch đánh Kuwait vào năm 1991, ông đã cho phóng hàng chục tên lửa Scud vào Tel Aviv với hy vọng kích động sự trả đũa của Israel và khiến liên minh Mỹ - Ảrập chống Bagdad bị chia rẽ. Tuy nhiên, Washington đã thuyết phục Thủ tướng Israel khi đó Yitzhak Shamir không tham gia xung đột và một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực đã được ngăn chặn.
Ngày 14/4 đánh dấu việc Iran trở thành quốc gia có chủ quyền đầu tiên trong 33 năm qua phóng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái (UAV) trực tiếp tấn công Israel. Giới quan sát cho rằng, Thủ tướng Netanyahu đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan tương tự như ông Shamir, nhưng chính những quyết định và tính toán gây tranh cãi của ông Netanyahu kể từ ngày 7/10/2023 đã đẩy Israel đến thời điểm bấp bênh này.
“Trước đây, ông Netanyahu thường không phải là người hay leo thang mọi chuyện. Trong đối đầu với Hamas, ông ấy thích các cuộc xung đột ngắn, dữ dội và có giới hạn, mà ông ấy có thể coi là nằm trong tầm kiểm soát”, Dahlia Scheindlin, chiến lược gia chính trị và nhà nghiên cứu chính sách thuộc tổ chức tư vấn Century Foundation (Mỹ) nhận xét.
“Vấn đề là ngày 7/10 (thời điểm Phong trào Hồi giáo Hamas tiến hành vụ đột kích đẫm máu vào lãnh thổ Israel, dẫn đến chiến dịch tấn công trả đũa của Israel vào Dải Gaza ngay sau đó) đã thay đổi cuộc chơi. Cách ông Netanyahu hành động trong quá khứ không còn liên quan đến hiện tại nữa vì tình hình đã hoàn toàn khác. Điều tương tự cũng xảy ra với Iran. Mọi người luôn nói Tehran không bao giờ trả đũa một cách nghiêm trọng. Sau cuối tuần trước, chuyện đó không còn xảy ra nữa”, chuyên gia Scheindlin nói thêm.
Người Israel phải đối mặt với một đêm mất ngủ khi các quan chức thông báo Iran đã phóng 170 UAV, hơn 30 tên lửa hành trình và 170 tên lửa đạn đạo về phía nước này, đưa 2 bên đến gần bờ vực của một cuộc xung đột toàn diện hơn bao giờ hết.
Iran khẳng định đã báo trước kế hoạch cho các nước láng giềng và Mỹ. Gần như mọi UAV và tên lửa của Iran đã bị lực lượng không quân và hệ thống phòng thủ đa lớp của Israel đánh chặn thành công, với sự phối hợp trợ giúp nhịp nhàng của Mỹ và một số nước đồng minh.
Các quan chức Israel đã cam kết sẽ có “phản ứng mạnh mẽ, đáng kể” đối với Iran. Song, hiện không rõ Nội các chiến tranh của Israel trước đó có thảo luận về vụ đánh bom đại sứ quán Iran ở Damascus, Syria hôm 1/4, khiến một chỉ huy Lực lượng Quds tinh nhuệ và 6 quan chức khác thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiệt mạng, nguyên nhân trực tiếp khiến Tehran quyết định tấn công trả đũa nước này, hay không.
Sự cố đã diễn ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Israel – Iran kể từ khi bùng phát xung đột ở Gaza và đọ súng dữ dội qua biên giới giữa quân Israel với lực lượng Hezbollah đượcTehran hậu thuẫn ở Lebanon.
Mỹ đã nhanh chóng phủ nhận được báo trước về vụ tấn công của Iran. Song, Washington được tin phải vượt qua sự rạn nứt ngày càng lớn với chính quyền Netanyahu về hành động của Israel trong chiến dịch quân sự chống Hamas ở Gaza, để trợ giúp đồng minh quan trọng nhất ở Trung Đông trước những mối đe dọa trả thù liên tiếp từ nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei.
Các nhà bình luận ở Israel đang suy đoán liệu phản ứng tiếp theo của Tel Aviv sẽ “được điều chỉnh dựa trên ý định của người Iran hay dựa trên kết quả của vụ tấn công”. Theo một số nhà phân tích, nếu chính quyền Netanyahu đang chuẩn bị cho cuộc xung đột công khai với Iran, vụ tấn công 14/4 sẽ là cái cớ.
Tính đến ngày 15/4, các dấu hiệu ban đầu ám chỉ, dưới áp lực mạnh mẽ của Washington nhằm không kéo phần còn lại của thế giới vào một cuộc xung đột lớn hơn ở Trung Đông, Israel sẽ ngừng bắn. Bộ trưởng Nội các chiến tranh của Israel Benny Gantz đã tuyên bố, nước này sẽ “xây dựng một liên minh khu vực và bắt Iran phải trả giá theo cách thức và thời điểm phù hợp”.
Tuy nhiên, chừng nào cuộc xung đột ở Gaza còn tiếp diễn, khả năng xảy ra xung đột còn lâu mới kết thúc. Các đối tác liên minh cực hữu của Thủ tướng Netanyahu đang yêu cầu một phản ứng “hủy diệt” nhằm vào quốc gia Hồi giáo. Nhật báo Yedioth Ahronoth của Israel mô tả “tiếng trống thúc giục giao tranh vang lên trong phòng họp của Nội các chiến tranh”.
Hiện còn quá sớm để dự đoán những tác động chính trị của những sự kiện cuối tuần trước đối với ông Netanyahu, người đang nỗ lực giữ ghế lãnh đạo chính phủ Israel và chống lại các cáo buộc tham nhũng nhằm vào ông.
Dù nhiều người Israel còn cảm thấy tức giận vì lãnh đạo từ chối chịu trách nhiệm về những thất bại tình báo và phản ứng trong vụ đột kích của Hamas ngày 7/10, cũng như số lời kêu gọi bầu cử sớm ngày càng gia tăng, nhưng liên minh của ông Netanyahu vẫn ổn định. Các cuộc thăm dò cho thấy mức độ tín nhiệm đối với cá nhân Thủ tướng Israel và sự ủng hộ dành cho đảng Likud của ông đã bắt đầu tăng trở lại trong 6 tuần gần đây.
Và dù các cuộc thăm dò liên tục cho thấy sự ủng hộ của dư luận Israel đối với một chiến dịch tấn công trên bộ vào Lebanon, sau Gaza, nhằm xóa bỏ mối đe dọa do nhóm vũ trang Hezbollah thân Iran gây ra ở khu vực biên giới phía bắc, Tel Aviv từng không coi việc xảy ra xung đột với Iran là nguy cơ nghiêm trọng.
Suốt nhiều năm qua, ông Netanyahu cũng không ngừng công kích và và đưa ra các cáo buộc chống Iran, nhưng ông vẫn chưa hiện thực hóa các đe dọa bằng hành động trực tiếp và công khai. Người dân trong khu vực chỉ có thể hi vọng Thủ tướng Israel không coi đối đầu quân sự với quốc gia Hồi giáo là một cơ hội chính trị khác.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)