Theo hãng tin Reuters, đợt tấn công hôm 13/4 của Iran với hơn 300 tên lửa và UAV dù phần lớn bị hệ thống phòng thủ của Israel bắn hạ, nhưng đã gây ra sự hỗn loạn trong ngành hàng không thế giới.
Ít nhất hàng chục hãng hàng không đã phải hủy bỏ, hoặc chuyển hướng các chuyến bay trong 2 ngày qua như Qantas, Lufthansa, United Airlines, và Air India.
Ông Mark Zee, nhà sáng lập OPSGROUP, tổ chức chuyên giám sát không phận và sân bay, cho hay đây là sự gián đoạn lớn nhất đối với hoạt động di chuyển hàng không kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 nhằm vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở Mỹ.
"Kể từ đó, chúng tôi chưa gặp phải tình huống liên tiếp nhiều không phận khác nhau bị đóng cửa, và điều đó tạo ra sự hỗn loạn", ông Zee cũng dự đoán sự gián đoạn có thể sẽ kéo dài thêm vài ngày nữa.
Trước đó, ngành hàng không thế giới đã phải đối mặt với nhiều hạn chế do giao tranh giữa Israel và Hamas, và xung đột Nga – Ukraine.
Cũng theo ông Zee, không phận của Iran thường được các hãng hàng không sử dụng để đi lại giữa châu Âu và châu Á, nhưng nay sẽ bị hạn chế. Điều này buộc họ sử dụng 2 tuyến đường thay thế khả thi là qua Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc qua Ai Cập và Ảrập Xêút.
Israel đã đóng cửa không phận vào ngày 13/4, trước khi mở lại vào sáng 14/4. Jordan, Iraq và Lebanon cũng nối lại các chuyến bay qua lãnh thổ của họ.
Hôm 14/4, các hãng hàng không lớn ở Trung Đông như Emirates Airlines, Qatar Airways và Etihad Airways cho biết họ sẽ tiếp tục hoạt động trong khu vực, sau khi các hãng phải hủy bỏ hoặc chuyển hướng một số chuyến bay.
Nhà phân tích hàng không độc lập Brendan Sobie nhận định vẫn chưa rõ liệu tình trạng bất ổn mới có ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại hay không, bởi bất chấp các cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và Dải Gaza, nhu cầu đi máy bay vẫn rất lớn.
“Nếu tình hình chính trị và xung đột tiếp tục leo thang, đến một lúc nào đó mọi người sẽ lo ngại chuyện đi lại, nhưng cho đến nay điều đó vẫn chưa xảy ra”, ông Sobie nói.
Theo Minh Thu (VietNamNet)