Thủ tướng Đức Angela Merkel lần đầu tiên lên tiếng thừa nhận những sai lầm của nước Đức nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung liên quan tới chính sách tị nạn trong những năm qua.
Nữ thủ tướng Merkel trong sự kiện ở Greifswald (Đức) ngày 30-8 - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, nhà lãnh đạo của Đức tuy vậy vẫn tuyên bố nỗ lực theo đuổi chính sách đúng đắn đang được triển khai hiện nay.
Trả lời phỏng vấn trên báo Sueddeutsche Zeitung (Nam Đức) số ra ngày 31-8, Thủ tướng Merkel đã thừa nhận những sai lầm trong cách phản ứng trước đây với làn sóng người di cư tới châu Âu, nhấn mạnh ngay cả nước Đức cũng đã phớt lờ vấn đề này trong một thời gian dài, mà quan tâm tới những vấn đề khác sau khi đã tiếp nhận rất nhiều người tị nạn trong cuộc chiến tranh Nam Tư.
Theo bà Merkel, ngay từ năm 2004 và 2005 đã có nhiều người tị nạn tới châu Âu, nhưng banh lãnh đạo châu Âu lại để Tây Ban Nha và các nước nằm ở biên giới EU khác tự giải quyết vấn đề của họ.
Ngay cả Berlin sau đó cũng từ chối những cải cách cần thiết của EU, như việc phân bổ theo tỉ lệ người tị nạn hay việc bảo vệ biên giới ngoài EU, do lo ngại việc đó có thể xâm phạm tới vấn đề chủ quyền quốc gia.
"Chúng tôi đã không tiếp cận vấn đề người tị nạn theo cách phù hợp". Thủ tướng Đức Angela Merkel |
Liên quan các cuộc tấn công khủng bố thời gian qua ở Đức và châu Âu, Thủ tướng Merkel thừa nhận cảm giác bất ổn và lo lắng trong dân chúng khi người tị nạn tới châu Âu "không chỉ có những gương mặt thật thà“, điều đặt ra thách thức lớn hơn cho vấn đề hội nhập.
Tuy nhiên, bà Merkel bác bỏ mối liên quan trực tiếp giữa người tị nạn với chủ nghĩa khủng bố. Bà nhấn mạnh: "Thật sai lầm khi cho rằng khủng bố xuất hiện cùng với những người tị nạn, bởi khủng bố đã có từ lâu và đó là những đối tượng đã bị chúng ta theo dõi“.
Bà Merkel cũng đảm bảo rằng "nước Đức sẽ vẫn là nước Đức“ và sẽ không có thay đổi lớn sau khi tiếp nhận hàng trăm ngàn người tị nạn.
Theo bà Merkel, Đức sẽ vẫn trung thành với những giá trị và nền tảng cơ bản đã làm nên tên tuổi nước Đức, trong đó có sự quảng đại, nền dân chủ, nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường xã hội...
Bà cũng kêu gọi người Đức và châu Âu cần kiên trì và nhẫn lại với các chính sách đang được áp dụng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu, đồng thời cho rằng EU cần đẩy mạnh sự hợp tác và hỗ trợ phát triển với các nước châu Phi, với Thổ Nhĩ Kỳ và các khu vực bất ổn.
Tỉ lệ ủng hộ bà Merkel giảm đáng kể trong năm 2015 do người dân Đức dần mất lòng tin vào chính sách mở cửa đón người tị nạn của bà. Đặc biệt trong tháng vừa qua, phong trào phản đối "Hồi giáo hóa nước Đức" bắt đầu phát triển mạnh sau hàng loạt những vụ tấn công bạo lực nhằm vào dân thường, với ba trong số này là do người tị nạn gây ra.
Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê liên bang Đức, chỉ riêng trong năm 2015, quốc gia này đã tiếp nhận tới 2,14 triệu người di cư.
Người Đức không ủng hộ bà Merkel tái cử Tờ Bild am Sonntag của Đức ngày 28-8 đăng kết quả thăm do dư luận do hãng Emnid tiến hành cho thấy một nửa số người Đức được hỏi cho rằng bà Merkel không nên tiếp tục giữ chức thủ tướng lần thứ 4. Nhưng cũng có 42% người được hỏi ủng hộ bổ nhiệm bà Merkel vào nhiệm kỳ thứ 4. Trước đó, ngày 27-8, báo Spiegel cho biết Thủ tướng Merkel đã tiếp tục hoãn kế hoạch thông báo về việc có tham gia tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử năm 2017 hay không. Lý do là ông Horst Seehofer - Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), muốn đợi tới thời điểm đầu năm 2017 mới đưa ra quyết định có tiếp tục ủng hộ bà Merkel tái tranh cử hay không. |
Theo Tú Anh (Tuổi Trẻ)