Thổ Nhĩ Kỳ được chống lưng thế nào mà dám đối đầu Nga?

04/12/2015 09:10:33

Ngay sau khi xảy ra vụ tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích Su-24 Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gọi vụ tấn công này là hành động khiêu khích được dàn dựng trước.

Ngay sau khi xảy ra vụ tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích Su-24 Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gọi vụ tấn công này là hành động khiêu khích được dàn dựng trước.

“Thủ phạm” bắn hạ Su-24 lần này là tiêm kích F16 do Mỹ chế tạo. Không những bật đèn xanh cho Ankara, có nhiều bằng chứng cho thấy Mỹ đứng sau một chuỗi các sự kiện liên quan đến biến cố này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong một cuộc gặp với đồng cấp người Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AP)

Đã có 2 máy bay của Nga bị tấn công trong ngày 24/11, nhưng vụ thứ hai ít được dư luận chú ý hơn. Đó là khi trực thăng của Nga bị các tay súng thuộc Quân đội Syria tự do (FSA – do CIA hậu thuẫn, huấn luyện) sử dụng vũ khí Mỹ (tên lửa TOW) bắn phá. Trực thăng này đang làm nhiệm vụ tìm kiếm phi công lái chiếc Su-24 bốc cháy.

Thay vì nói lời chia sẻ với Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner lại bảo vệ hành động của FSA. Ông này cũng không quên bào chữa cho các phần tử nổi dậy tộc người Turkmen bắn vào dù của phi công Nga. Dường như Washington chẳng mấy buồn rầu với các vụ tấn công nhằm vào Nga.

Trước khi vụ việc xảy ra, trong chính giới Mỹ đã xuất hiện nhiều tiếng nói đòi Nhà Trắng phải đối đầu cứng rắn, trực diện với Nga. Các ứng cử viên chạy đua Tổng thống như ông Chris Christie, bà Hillary Clinton đều công khai đề xuất lập vùng cấm bay ở Syria mà trong đó máy bay Nga nếu xâm phạm sẽ bị bắn hạ.

Thượng nghị sĩ John McCain thậm chí còn nêu ý tưởng cấp cho các phần tử nổi dậy ở Syria liên quan đến mạng lưới Al Qaeda các hệ thống tên lửa đối không để tiêu diệt máy bay Nga, cái mà ông thừa nhận là Mỹ đã “từng làm như vậy ở Afghanistan nhiều năm trước".

Nhân vật lớn tiếng nhất có lẽ là cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Zbigniew Brzezinski. Trong một bài viết đăng trên tờ Thời báo Tài chính (Financial Times/Anh), ông Brzezinski gợi ý ông Obama cần phải có hành động trả đũa nếu Nga tiếp tục tấn công vào các “tài sản” của Mỹ ở Syria (các nhóm nổi dậy liên quan tới Al Qaeda).

Lời tư vấn nguy hiểm của ông Brzezinski đã vang đến giới hoạch định chính sách tại Nhà Trắng. Nhưng thay vì mạo hiểm chấp nhận cuộc đối đầu giữa hai siêu cường hạt nhân, Thổ Nhĩ Kỳ đã được chọn là đối tượng “ủy quyền”.

Ankara cũng có những toan tính riêng trong vụ bắn hạ máy bay nga. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã công khai quan điểm chống phá nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad, coi đây là vấn đề không có điểm lùi. Sự tại vị của ông Assad sẽ làm cho kế hoạch xây dựng tuyến đường ống dẫn khí từ Qatar tới Thổ Nhĩ Kỳ qua Syria tắc nghẽn.

Việc máy bay Nga không kích quân khủng bố, kể cả là các nhóm liên quan tới Al Qaeda cũng được cho là làm hỏng toan tính của Ankara muốn lật đổ ông Assad.

Về phần mình, các đồng minh phương Tây của Mỹ cũng đã bắn đi những tín hiệu hậu thuẫn chính quyền ông Erdogan. Hôm 8/10, Tổ chức Hợp tác Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra tuyên bố sẽ bảo vệ Ankara trước Nga, sau vụ một chiến đấu cơ của Nga bay qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Tiếp đó, ngày 12/11, các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) cam kết sẽ viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ 3 tỉ USD. Thật ngẫu nhiên, đây cũng chính là khoản tổn thất mà Ankara mất đi do các lệnh cấm vận mà Moskva dựng lên sau vụ bắn rơi máy bay Nga.

Đây có thể xem là những hậu thuẫn quan trọng để ông Erdogan thực hiện một canh bạc liều lĩnh, nhất là trong bối cảnh nội chiến ở Syria đã kéo dài hơn 4 năm và chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Tổng thống Assad sớm sụp đổ.
 
>> Nga sẽ không tha thứ cho Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ Su-24
>> Nga công bố chứng cứ tố Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu của IS
>> Nổ lớn gần ga tàu điện ngầm ở Thổ Nhĩ Kỳ
>> Đế chế dầu mỏ bí mật tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ

Theo Hoài Thanh (Báo Tin Tức)