Được kỳ vọng là những thiết giáp hạm lớn nhất, uy lực nhất, hỏa lực mạnh nhất, nhưng các tàu lớp Montana đã không tìm được chỗ cho mình trên đại dương.
|
Mô hình thiết kế tàu Montana năm 1940. Ảnh: Wikipedia. |
Sau Thế chiến I, các cường quốc trên thế giới ký một loạt hiệp ước hải quân, quy định lượng giãn nước tối đa của tàu chiến mà họ được đóng là 35.000 tấn. Các thiết giáp hạm được Mỹ chế tạo cuối thập niên 1930 như lớp North Carolina và South Dakota đều tuân thủ giới hạn kích cỡ này.
Tuy nhiên, khi Nhật từ chối gia hạn hiệp ước, Mỹ cũng quyết định tăng giới hạn lượng giãn nước tàu chiến lên 45.000 tấn. Thiết giáp hạm lớp Iowa ra đời, với khối lượng gia tăng nằm ở hệ thống pháo hạm, cũng như động cơ mạnh hơn, giúp tốc độ tối đa tăng thêm 9,3 km/h.
Hải quân Mỹ thường hy sinh tốc độ để đổi lấy hỏa lực và giáp bảo vệ, nhưng lớp Iowa là trường hợp ngoại lệ trong lịch sử chế tạo thiết giáp hạm Mỹ. Nó có thể đạt tốc độ hơn 61 km/h, vì các chỉ huy Mỹ muốn loại thiết giáp hạm có thể hộ tống tàu sân bay tốc độ cao đời mới.
Sau đó, hải quân Mỹ tiếp tục phát triển thiết giáp hạm lớp Montana với vẻ ngoài rất giống lớp Iowa, nhưng có lượng giãn nước toàn tải lên tới 65.000 tấn, lớn hơn Iowa tới 18.000 tấn.
Khác biệt lớn nhất của Montana nằm ở kích cỡ và vũ khí chính. Các kỹ sư Mỹ tập trung phát triển giáp và pháo trên lớp tàu này, thay vì tìm cách tăng tốc độ. Lớp Montana dự tính trang bị 12 tháp pháo 406 mm, trong khi tốc độ tối đa chỉ đạt 52 km/h. Vũ khí phụ cũng tương tự lớp Iowa và các thiết giáp hạm trước đó. Nhưng vì có nhiều không gian, các tàu Montana có thể mang theo vũ khí phòng không uy lực hơn.
|
Thiết giáp hạm lớp Montana có thể là những "quái vật biển" nếu được hoàn thành. Ảnh: Wikipedia. |
Thiết kế Montana vượt trội hơn mọi loại thiết giáp hạm của Anh, Pháp và Italy. Đối thủ rõ ràng nhất của Montana là lớp Yamato của Nhật Bản. Lớp Montana có tốc độ nhỉnh hơn, pháo 406 mm có sức xuyên phá mạnh mẽ hơn pháo 460 mm của Nhật, đem lại lợi thế đáng kể cho Mỹ. Tiến bộ trong hệ thống điều khiển hỏa lực và khả năng tìm kiếm mục tiêu cũng là điểm mạnh của tàu Mỹ.
Tuy nhiên, lớp Yamato được biên chế từ năm 1942, trước khi Montana được lên kế hoạch chế tạo, khiến việc so sánh trở nên khập khiễng. Các thiết giáp hạm kế tiếp Yamato được cho là vượt trội hơn Montana về cả kích cỡ và vũ khí. Tuy nhiên, chúng đều chỉ là những dự án trên giấy, không bao giờ trở thành hiện thực.
Ngoài Yamato, lớp Montana chỉ còn đối thủ đáng gờm là lớp Sovetsky Soyuz của Liên Xô và H-39 của Đức. Các tàu này đều có kích thước tương đương thiết giáp hạm Mỹ và Nhật với 16 pháo. Tuy nhiên, tiến bộ công nghệ trong Thế chiến II khiến các siêu thiết giáp hạm dần trở nên lỗi thời và bị hủy bỏ, trừ hai chiếc Yamato đầu tiên.
|
Yamato là đối thủ duy nhất của Montana được đưa vào biên chế. Ảnh: Wikipedia. |
Tới giữa năm 1942, hải quân Mỹ kết luận rằng tàu sân bay hữu ích hơn thiết giáp hạm. Những lớp thiết giáp hạm sẵn có như Iowa và South Dakota đủ sức đối phó với tàu chiến Nhật, đồng thời là lực lượng hộ tống tàu sân bay hiệu quả.
Tàu lớp Montana chậm hơn lớp Iowa, chỉ có thể mang theo vũ khí phòng không tương đương, khó lòng thực hiện nhiệm vụ hộ tống tàu sân bay. Dù có thể được biên chế trước khi chiến tranh kết thúc, hải quân Mỹ nhận định lớp Montana không có tiềm năng rõ ràng và hủy bỏ việc chế tạo chúng.
Thiết kế thân tàu Montana trở thành nền tảng cho tàu sân bay lớp Midway, chiếc đầu tiên được biên thế ngay sau khi Thế chiến II chấm dứt. Lớp Midway hoạt động trong suốt Chiến tranh Lạnh cho đến khi bị loại biên trong thập niên 1990.
Lớp Montana là những tàu uy lực, được cho là mạnh hơn các tàu tương đương của Nhật, Đức và Liên Xô, nhưng đối thủ của chúng đều bị đánh chìm từ trước, hoặc không được chế tạo. Nếu Mỹ đóng thiết giáp hạm lớp Montana, số phận sau chiến tranh của nó cũng sẽ giống lớp South Dakota, đó là bị tháo dỡ lấy sắt vụn. Việc hủy bỏ dự án này được cho là lựa chọn đúng đắn của hải quân Mỹ, nhằm tập trung cho những chiến hạm hiệu quả hơn.
Theo Hòa Việt (VnExpress.net)