Theo dữ liệu được NASA công bố hôm 16-7, tháng 6-2019 là tháng nóng nhất trong vòng 139 năm, phá kỷ lục của tháng 6-2016. Theo báo The Washington Post, Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus cũng đã xác định tháng 6-2019 là tháng ấm nhất đối với châu Âu và toàn cầu.
Giống như tháng 6, trong tháng 7 đã xảy ra một số thống kê nhiệt độ cao đáng chú ý, bao gồm ở Nunavut - Canada, nơi có người sinh sống thường trực ở cực Bắc trên trái đất. Nơi này đạt mức cao kỷ lục 21 độ C hôm 14-7, phá vỡ kỷ lục trước đó là 20 độ C. Ngoài ra, bang Alaska - Mỹ tuần trước đã công bố 2 ngày nóng nhất trong lịch sử, nổi bật bởi lần đầu tiên TP Anchorage lên đến 32,2 độ C.
Kỷ lục nắng nóng của tháng 6 và nửa đầu tháng 7 đã làm gia tăng dự đoán năm 2019 có thể lọt vào tốp 3 năm ấm nhất. Trong bối cảnh đó, Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã phát hành cẩm nang hướng dẫn để giúp giới chức các thành phố chuẩn bị cho đợt nắng nóng và cứu được nhiều sinh mạng.
Trong thế kỷ tới, tình trạng biến đổi khí hậu có thể sẽ tạo ra các điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt - và các rủi ro về sức khỏe - thường xuyên xảy ra ở hầu hết các khu vực trên nước Mỹ, tờ Time trích dẫn một bài báo đăng trên tạp chí Environmental Research Communications cho biết. Vào cuối thế kỷ tới, nhiều bang ở vùng vịnh Mexico mỗi năm có thể trải qua hơn 120 ngày ở mức hơn 37,7 độ C.
Một diễn biến khác, báo chí Philippines đưa tin bão nhiệt đới Falcon (tên quốc tế là Danas) ngày 17-7 tiếp tục gây mưa lớn ở nước này. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 35 km/giờ, được xem là nhanh đối với một trận bão nhiệt đới. Theo báo Inquirer, bão Danas dự kiến sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ngày 19-7 và rời khỏi Philippines.
Theo Lục San (Nld.com.vn)