Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Pompeu Fabra ở Barcelona (Tây Ban Nha) và Viện Max Planck về Nghiên cứu Nhân Khẩu học tại Rostock, Đức phân tích dữ liệu của hơn 1,2 triệu người từ 81 quốc gia đã tử vong vì Covid-19.
Nghiên cứu bao gồm tất cả các quốc gia có ít nhất một trường hợp tử vong vì Covid-19 (tính tới 06/01/2021). Các nhà khoa học đã tính toán "tuổi thọ bị mất", tức là khác biệt giữa độ tuổi của một người khi tử vong và tuổi thọ trung bình của họ, dựa trên dữ liệu của từng quốc gia.
Kết luận được đưa ra là nhân loại đã mất 20,5 triệu năm tuổi thọ vì Covid-19 ở các nước kể trên.
Trên góc nhìn y tế công cộng, tuổi thọ bị mất quan trọng trong việc đánh giá tuổi thọ của người dân bị giảm sút như thế nào ở các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh", các tác giả viết trong nghiên cứu được đăng tải hôm 18/02 trên tuần san Scientific Reports.
Khoảng một phần tư trong tổng số tuổi thọ bị mất là ở người lớn hơn 75 tuổi. Gần một nửa ở nhóm 55-75 tuổi và khoảng gần một phần ba từ nhóm ít hơn 55 tuổi.
Ở các nước có nhiều ca nhiễm Covid-19, tuổi thọ bị mất vì Covid-19 cao hơn từ 2 tới 9 lần so với tuổi thọ bị mất vì cảm cúm thông thường.
Nghiên cứu cũng có một số giới hạn đáng chú ý. Do nhiều nước có thể không thống kê đầy đủ các trường hợp tử vong vì Covid-19, tính toán của các nhà nghiên cứu về tổng tuổi thọ bị mất có thể thấp hơn thực tế.
Tuy vậy nhóm bệnh nhân tử vong vì Covid-19 có thể có tuổi thọ trung bình thấp hơn người bình thường, do đó con số này cũng có thể cao hơn thực tế. Nghiên cứu cũng chưa thống kê trọn vẹn 195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, cho thấy con số thực tế có thể còn cao hơn.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ xem xét các trường hợp tử vong, không tính tới khả năng người khỏi bệnh phải chịu các di chứng. Các tác động sức khỏe lâu dài của Covid-19 cần phải được nghiên cứu thêm, nhóm tác giả cho biết.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)