Các nhóm sắc tộc thiểu số bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong giai đoạn từ tháng 01 tới 06/2020. Người Mỹ gốc Phi mất gần ba năm tuổi thọ trung bình, trong khi người gốc Tây Ban Nha cũng mất gần hai năm, theo ước tính sơ bộ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ.
"Đây là mức sụt giảm rất lớn. Chúng ta phải trở về thời Chiến tranh Thế giới thứ hai, những năm 1940, mới thấy mức sụt giảm như thế này," Robert Anderson, người theo dõi dữ liệu về tuổi thọ trung bình của người dân Mỹ tại CDC cho biết.
Tuổi thọ trung bình trong nửa đầu năm 2020 tại Mỹ ở mức thấp nhất từ năm 2006, theo dữ liệu của CDC.
Trong nửa đầu 2020, tuổi thọ trung bình của người Mỹ vào khoảng 77,8 năm, giảm một năm so với 78,8 hồi năm 2019. Tuổi thọ trung bình nam giới là 75,1 năm, trong khi nữ giới vào khoảng 80,5 năm.
2020 là năm chết chóc nhất trong lịch sử Mỹ, với việc hơn 3 triệu trường hợp tử vong lần đầu được ghi nhận. Dịch bệnh Covid-19 từ khi bùng phát tại Mỹ đã khiến hơn 490.000 người tử vong, mức cao nhất thế giới.
Giới chuyên gia cho rằng dữ liệu tuổi thọ trung bình cho thấy tác động của Covid-19, tuy vậy cũng thể hiện nhũng cái chết vì bệnh tim, ung thư và các tình trạng bệnh lý nặng khác.
Người gốc Tây Ban Nha ở Mỹ vốn có tuổi thọ trung bình cao nhất, và dữ liệu mới nhất cho thấy điều này không thay đổi. Tuy vậy, tuổi thọ trung bình của người Mỹ gốc Phi đã kém người da trắng tới sáu năm. Báo cáo ban đầu không phân tích sự thay đổi về tuổi thọ trung bình của người gốc Á hay người Bản Địa.
"Các cộng đồng người da đen và người gốc Tây Ban Nha ở Mỹ đã chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch," tiến sĩ Kirsten Bibbins-Domingo thuộc Đại học California nói.
Những nhóm người này thường phải làm các công việc ở tiền tuyến chống dịch, trong khi bản thân họ có nhiều bệnh nền hơn, gây nguy cơ tử vong vì Covid-19 cao hơn, theo bà Bibbins-Domingo. Công tác triển khai tiêm chủng cần được cân nhắc kỹ lưỡng hơn để bảo vệ các nhóm sắc tộc thiểu số trước virus, bà nói thêm.
CDC Mỹ cũng cảnh báo dữ liệu kể trên mới phản ánh các trường hợp tử vong trong sáu tháng đầu năm 2020, và chưa thể hiện hết tác động của đại dịch. CDC cũng cho biết đã phát hiện số ca tử vong vì dùng chất kích thích quá liều.
Bác sĩ Otis Brawley, chuyên gia ung thư tại Đại học John Hopkins cho rằng sự sụt giảm tuổi thọ trung bình là bằng chứng rằng nước Mỹ đã "sai lầm trong xử lý đại dịch".
"Chúng ta bị virus corona tàn phá hơn bất kỳ nước nào khác. Chúng ta chỉ chiếm 4% dân số thế giới nhưng chiếm tới hơn 20% số trường hợp tử vong vì virus corona," ông nói.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)