Theo đó, hàng chục ngàn người đã xuống các tuyến đường ở thủ đô Bangkok vào cuối tuần, bắt đầu từ ngày 19-9. Nhà hoạt động và thủ lĩnh sinh viên Panasaya "Rung" Sitthijirawattanakul, 21 tuổi thậm chí đã chiếm sân khấu phát biểu đối chất trực tiếp với nhà vua Vajiralongkorn, một hành động mà theo luật nước này có thể bị phạt tù đến 15 năm với tội danh phỉ báng chế độ quân chủ.
Các yêu sách của sinh viên bao gồm thu hồi các điều luật chống lại chế độ quân chủ, cho phép tự do ngôn luận, bãi bỏ các văn phòng hoàng gia, giải tán đội cận vệ hoàng gia của nhà vua.
Thủ lĩnh Panasaya nói với CNN: "Bạn nên cải cách chế độ quân chủ để nó có thể tiếp tục tồn tại ở Thái Lan".
Panasaya đã giao bảng yêu sách của người biểu tình cho chính quyền, bao gồm các góp ý về hiến pháp mới, đòi viết lại hiến pháp một cách hoà bình, cải cách chế độ quân chủ, bãi bỏ quân hàm cho cảnh sát.
Vì sao các sinh viên biểu tình?
Các cuộc biểu tình diễn ra sau nhiều năm biến động chính trị được đánh dấu bằng cuộc đảo chính quân sự vào năm 2014, tiếp theo là sự thất bại của chính quyền trong việc thực hiện lời hứa khôi phục nền dân chủ (chính quyền dân sự) cùng các bức xúc về cáo buộc chính quyền đàn áp các quyền và tự do dân sự.
Các nhà hoạt động nói rằng họ chán ngấy với những bất công như việc quân đội tiếp tục nắm quyền thông qua hiến pháp, tình trạng khẩn cấp do dịch coronavirus kéo dài - mà họ nói đang được sử dụng để kìm hãm đối lập chính trị và quyền tự do ngôn luận, đối với một nền kinh tế đang phát triển mạnh nhưng ít triển vọng về việc làm.
Chính trong bầu không khí này, sự giận dữ của họ hiện đang hướng về nhà vua Maha Vajiralongkorn, người đã lên ngôi vào năm 2016 và đăng quang vào tháng 5 năm 2019.
Vajiralongkorn được cho là dành nhiều thời gian ở nước ngoài và hầu như không có mặt trong cuộc sống công cộng ở Thái Lan khi đất nước này đang phải vật lộn với đại dịch coronavirus.
Kể từ khi trở thành Quốc vương, khối tài sản trị giá hàng tỷ đô la do Thái Lan nắm giữ đã được chuyển giao cho Vajiralongkorn, khẳng định quyền kiểm soát tài chính hoàng gia và gia tăng đáng kể tài sản cá nhân của ông.
Mặc dù chế độ quân chủ tuyệt đối đã bị bãi bỏ ở Thái Lan vào năm 1932, nhưng quốc vương vẫn có ảnh hưởng chính trị đáng kể. Người Thái vẫn được cho là sẽ tuân theo một truyền thống lâu đời là tôn thờ thể chế hoàng gia.
Paul Chambers, giảng viên và cố vấn đặc biệt tại Trung tâm Nghiên cứu Cộng đồng ASEAN của Đại học Naresuan nhận định: "Các cuộc biểu tình ở Thái Lan mang tính lịch sử vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước này, những người biểu tình ở thành thị yêu cầu tiến hành những cải cách như vậy".
Theo Anh Duy (Công An TPHCM)