Theo FP , các chuyến hàng đã được chuyển giao từ tháng 11/2022. Hiện không rõ Kiev đã nhận bao nhiêu đạn dược, hoặc liệu chúng đã được sử dụng trên chiến trường hay chưa.
Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine chưa lên tiếng về thông tin này.
Loại vũ khí được đề cập là đạn thông thường cải tiến có mục đích kép, hay DPICM. Chúng được thiết kế trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lên kế hoạch triển khai loại đạn này để chống lại cuộc tấn công quy mô lớn của Liên Xô vào châu Âu nếu xảy ra chiến tranh.
Các viên đạn chứa hàng chục đầu đạn nhỏ, được sử dụng nhằm vào nhân lực đối phương và các mục tiêu bọc thép nhẹ. Đầu đạn được tung ra rải rác trên một khu vực rộng lớn để tăng tính sát thương.
Giống như nhiều loại đạn chùm khác, DPICM tạo ra các mối nguy hiểm lâu dài, vì một số đầu đạn con có thể không phát nổ ngay, nên sẽ gây thương tích hoặc giết chết ai đó nhiều năm sau khi chúng được triển khai.
Luật pháp Mỹ cấm xuất khẩu các loại vũ khí chùm có tỉ lệ “lép” vượt quá một ngưỡng nhất định. Ngoài ra, đạn chùm cũng sẽ không được sử dụng ở những khu vực có thể có dân thường. Washington đã nhiều lần từ chối yêu cầu cung cấp DPICM từ Kiev.
Hầu hết các thành viên NATO ở châu Âu đều là ký kết Công ước về Bom, đạn chùm (CCM) năm 2008. Thổ Nhĩ Kỳ không nằm trong số này, nhưng đảm nhiệm tư cách quan sát viên trong tổ chức có trụ sở tại Geneva giám sát việc thực hiện hiệp ước. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ra rằng nước này tuân thủ các quy tắc về đạn chùm, mặc dù việc đó không bắt buộc.
Theo FP , vũ khí cung cấp cho Ukraine được sản xuất từ thời Chiến tranh Lạnh theo thỏa thuận hợp tác với Mỹ. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đã chế tạo các loại đạn 155mm và 122mm, tạp chí này tiết lộ.
Nga và Ukraine đều không phải là các bên tham gia CCM và cả hai đều được cho là đã sử dụng bom, đạn chùm do Liên Xô sản xuất trong cuộc xung đột vũ trang của họ.
Vào tháng 3/2022, một tên lửa Tochka-U với đầu đạn chùm đã giết chết hơn 20 người và làm bị thương hàng chục người khác ở thành phố Donetsk. Mátxcơva đổ lỗi cho Kiev về vụ tấn công, nhưng Ukraine bác bỏ. Tổ chức Giám sát nhân quyền quốc tế (HRW) sau đó tuyên bố rằng họ không thể điều tra vụ việc.
Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)