Truyền thông nhà nước Triều Tiên và Trung Quốc hôm nay cho biết lãnh đạo Triều Tiên cùng phu nhân Ri Sol-ju và nhiều quan chức cấp cao khác đang có chuyến thăm 4 ngày tới Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Giới quan sát nhận định chuyến thăm này của ông Kim là một bước chuẩn bị quan trọng cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai có thể diễn ra trong thời gian tới với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chuyến đi tới Trung Quốc của ông Kim diễn ra trong bối cảnh Trump hôm 6/1 thông báo chính quyền của ông đang "thảo luận một địa điểm" làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai và lãnh đạo hai nước đã trao đổi "gián tiếp".
CNN hôm nay dẫn một nguồn tin thân cận với tiến trình lên kế hoạch của Nhà Trắng cho biết các nhóm tiền trạm của Mỹ đã tới thăm Bangkok, Hà Nội và Hawaii để tìm kiếm địa điểm thuận lợi nhất cho hội nghị thượng đỉnh. Dù tờ Munhwa Ilbo của Hàn Quốc hôm qua đưa tin các quan chức Mỹ - Triều đã nhiều lần gặp nhau tại Hà Nội để bàn về lịch trình hội nghị, nguồn tin của CNN khẳng định quan chức hai bên chưa từng gặp nhau để trao đổi về vấn đề này.
Nguồn tin cũng cho biết phía Mỹ chưa đưa ra quyết định cuối cùng về địa điểm, danh sách các thành phố tiềm năng có thể được mở rộng và họ cũng chưa trao danh sách đó cho phía Triều Tiên. Dù vậy, những động thái này là dấu hiệu rõ ràng cho thấy cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Kim có thể sẽ diễn ra vài tháng tới.
Theo bình luận viên Nicola Smith của Telegraph, khi công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh diễn ra gấp rút, chuyến đi tới Trung Quốc lần này của ông Kim dường như là một tín hiệu cho thấy lãnh đạo Triều Tiên đang tìm cách tìm hiểu quan điểm của Chủ tịch Tập Cận Bình về cuộc gặp với Trump. Ông Kim từng tham vấn chặt chẽ với ông Tập cả trước và sau khi có hội nghị thượng đỉnh với Trump ở Singapore hồi tháng 6 năm ngoái.
Chuyến thăm cũng có thể là một thông điệp mà Triều Tiên muốn phát tới Mỹ vào thời điểm quan trọng, rằng Bình Nhưỡng vẫn duy trì mối quan hệ gắn bó có từ lâu đời với Bắc Kinh và sẽ luôn nhận được sự ủng hộ của đồng minh quan trọng này.
"Ông Kim muốn nhắc nhở chính quyền Trump rằng ông còn có những lựa chọn về ngoại giao và kinh tế khác ngoài những thứ Washington và Seoul có thể đưa ra", CNA dẫn lời Harry Kazianis, chuyên gia tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ ở Washington. "Trong thực tế, tuyên bố về 'con đường khác' trong diễn văn năm mới của Kim có thể là lời đe dọa ngầm về việc xích lại gần hơn với Bắc Kinh. Điều đó đáng để Mỹ lo ngại".
Trong thông điệp năm mới hồi tuần trước, ông Kim khẳng định sẵn sàng gặp Trump lần hai vào bất cứ thời gian nào để đạt được mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng ông cũng cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ "đi con đường khác" nếu Mỹ tiếp tục duy trì các lệnh cấm vận và gây sức ép tối đa với nước này.
Hầu hết các chuyên gia phân tích quốc tế không cho rằng Triều Tiên sẽ quay lại với chương hạt nhân, tên lửa, mà thông điệp "con đường khác" của Kim nhiều khả năng là một con bài mặc cả nhằm gây thêm sức ép với Trump trước thềm cuộc gặp quan trọng. Khi có thêm sự hậu thuẫn của Trung Quốc, lá bài mặc cả đó sẽ có giá trị hơn rất nhiều, các nhà phân tích nhận định.
"Trung Quốc có thể dễ dàng biến chiến lược 'sức ép tối đa' của Mỹ thành dĩ vãng khi phần lớn dòng chảy thương mại của Triều Tiên đều đi qua ngả Trung Quốc", Kazianis nhận định.
Theo chuyên gia này, Trung Quốc coi thời điểm chuyến thăm của Kim Jong-un là "không thể phù hợp hơn", bởi nó diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington đang bắt đầu những vòng đàm phán thương mại trực tiếp đầu tiên. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc có thể đưa vấn đề Triều Tiên ra làm "con bài mặc cả nếu thấy cần thiết".
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng thừa nhận vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên và bày tỏ tin tưởng rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục sự ủng hộ này bất chấp chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
"Phía Trung Quốc nói rất rõ với chúng tôi rằng đó là hai vấn đề khác nhau", Pompeo nói. "Hành động của họ cũng cho thấy như vậy và chúng tôi trân trọng điều đó. Trung Quốc thực sự là một đối tác tốt trong nỗ lực của chúng tôi nhằm giảm bớt nguy cơ cho thế giới từ chương trình hạt nhân Triều Tiên, tôi hy vọng họ sẽ tiếp tục làm vậy".
Kazianis nhận định chuyến đi này của ông Kim còn nhằm mục đích thăm dò thái độ cũng như mức độ ủng hộ của Trung Quốc đối với Triều Tiên, trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế do các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc và sức ép từ phía Washington.
"Với chuyến đi này, ông Kim rõ ràng sẽ muốn tìm hiểu xem ông Tập ủng hộ các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc nhắm vào Triều Tiên đến mức nào và họ có sẵn lòng nới lỏng việc thực thi các lệnh cấm vận đó hay không", Kazianis nói.
Theo Kazianis, bất cứ đánh giá nào về thái độ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm cũng rất quan trọng, bởi nó giúp Kim Jong-un hiểu được ông có thể chống lại chiến dịch gây sức ép tối đa của Mỹ đến mức nào trong trường hợp chính quyền Trump không chịu nhượng bộ và giảm bớt lệnh trừng phạt sau cuộc gặp thượng đỉnh lần hai.
"Cả ông Tập và ông Kim đều coi trọng việc phối hợp đưa ra lập trường trước bất cứ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều nào. Đây có vẻ là một khuôn mẫu trong hợp tác giữa hai nước", Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với AFP. "Ông Kim cũng muốn tìm kiếm sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong việc giảm nhẹ các lệnh cấm vận quốc tế".
Trung Quốc là đồng minh về kinh tế và ngoại giao quan trọng nhất của Triều Tiên, dù quan hệ song phương từng rơi vào nguội lạnh khi Bình Nhưỡng quyết tâm theo đuổi tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, khi ông Kim bắt đầu nỗ lực hòa giải với Hàn Quốc và đàm phán với Mỹ, quan hệ Trung – Triều lại trở nên nồng ấm, với ba chuyến thăm của ông Kim tới Trung Quốc năm ngoái.
Bình luận viên Zhenhua Lu của SCMP cho rằng trong bối cảnh tiến trình đàm phán hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn bế tắc sau hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim lần thứ nhất, Bình Nhưỡng sẽ tìm cách thu hút sự ủng hộ hơn nữa của Bắc Kinh để tạo tiền đề cho những cuộc đàm phán tiếp theo với Washington. Kim Jong-un dường như kỳ vọng rằng với vai trò và vị thế của mình, Trung Quốc sẽ góp phần phá thế bế tắc và giúp Triều Tiên giảm bớt hậu quả từ các lệnh cấm vận, trừng phạt của Mỹ.
Hồi đầu tháng trước, ông Tập nói với Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên tới thăm Bắc Kinh rằng ông hy vọng Triều Tiên và Mỹ "mỗi bên nhượng bộ một chút" và lưu tâm tới các lo ngại chính đáng của nhau, "tạo điều kiện cho kết quả tích cực trong các cuộc đàm phán hạt nhân trên bán đảo". Ông Tập nhiều khả năng sẽ tới thăm Triều Tiên trong thời gian tới và trở thành lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên thăm nước này kể từ năm 2005.
Theo Thành Nguyễn (VnExpress.net)