Nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump gần tròn hai năm. Hơn sáu tháng đã trôi qua kể từ khi ông ngồi cùng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong hội nghị thượng đỉnh lịch sử tại Singapore. Tuy nhiên, chủ nhân của Nhà Trắng dường như đã quay trở về vạch suất phát trong kế hoạch tham vọng nhất nhiệm kỳ: buộc Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.
Đó là những điều giới chuyên gia ghi nhận sau thông điệp đầu năm mới 2019 của ông Kim, được phát sóng toàn quốc vào ngày 1/1. Trước khi Washington gỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế, Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ dù chỉ một vũ khí, một điểm thử tên lửa hay dừng sản xuất vật liệu hạt nhân.
New York Times nhận định danh sách những yêu cầu của ông Kim là chỉ dấu rõ nhất cho thấy cuộc gặp tháng 6/2018 đã khiến hình ảnh về mối quan hệ đi xa hơn thực tế.
Những yêu sách của Bình Nhưỡng gần như không đổi so với thế đối đầu trước kia: Mỹ - Hàn ngưng mọi hợp tác huấn luyện quân sự; Mỹ chấm dứt hiện diện năng lực quân sự và hạt nhân trong phạm vi dễ dàng đe dọa Triều Tiên; và các bên ký hiệp ước chính thức kết thúc chiến tranh.
Sự lạc quan của ông Trump
"Có thể nói rằng tình hình không thay đổi là mấy, mặc dù chúng ta đã nhìn thấy rõ hơn lập trường của Triều Tiên", Evans J.R.Revere, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, nhận định. "Bình Nhưỡng không chấp nhận cách Mỹ định nghĩa về 'phi hạt nhân hóa' tại Singapore".
Đối với Washington, phi hạt nhân hóa đồng nghĩa Triều Tiên phải từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí chiến lược của mình. Trong khi đó, Bình Nhưỡng cho rằng họ phải nhận được đối xử tương xứng là Mỹ chấm dứt đe dọa bằng năng lực hạt nhân.
"Cả hai tầm nhìn mâu thuẫn này về phi hạt nhân hóa đến nay vẫn không thay đổi", ông Revere nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo không quá bi quan như nhận định của ông Revere. Cả hai đều tập trung vào sự thay đổi trong bầu không khí giữa hai nước, bằng chứng là các bên đã đồng ý tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.
Trong một tuyên bố trên mạng xã hội Twitter đêm 1/1, Tổng thống Trump dẫn lại những cam kết của ông Kim rằng "Triều Tiên sẽ không chế tạo hay thử nghiệm vũ khí hạt nhân hay bán cho nước khác". Nhà lãnh đạo 72 tuổi còn hào hứng khẳng định "rất trông chờ cuộc gặp với Chủ tịch Kim, người đã nhận ra Triều Tiên có tiềm năng kinh tế khổng lồ".
Niềm lạc quan của ông Trump còn được củng cố nhờ vào sự thay đổi hình ảnh của ông Kim. Thông điệp năm mới của người quyền lực nhất Triều Tiên được ví von là một sự "lột xác" về phong cách.
Nhà lãnh đạo trẻ tuổi xuất hiện trong bộ Âu phục như muốn gửi gắm thông điệp cởi mở, chứ không phải áo đại cán theo với sắc thái truyền thống. Bài phát biểu cũng không xuất hiện những lời đe dọa cứng rắn trước đó, như biến Seoul thành "biển lửa" hay giáng "thanh gươm công lý" lên nước Mỹ.
Bình Nhưỡng chưa rút lại những cành ô liu hòa bình. Lời lẽ cứng rắn nhất mà ông Kim Jong Un đưa vào bài phát biểu là "nếu Mỹ thất hứa" và tiếp tục "duy trì các lệnh trừng phạt kèm áp lực", Triều Tiên "sẽ không còn cách nào khác ngoài tìm kiếm một con đường mới cho chủ quyền quốc gia".
Về phần mình, Tổng thống Trump cũng không dùng lại những lời đe dọa cực đoan của năm 2017, khi ông từng cảnh cáo đáp trả Triều Tiên bằng "lửa và thịnh nộ ở mức độ thế giới chưa từng thấy". Tuy nhiên, dường như tổng thống Mỹ chỉ "đảo cực" cách phản ứng thái quá của mình.
Ngay sau thượng đỉnh tháng 6/2018, ông tuyên bố mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên không còn nữa - điều mà ngay cả những cố vấn và quan chức Mỹ thân cận nhất của ông cũng không dám lặp lại. Tổng thống Trump vô cùng lạc quan về mối quan hệ cá nhân với lãnh đạo Triều Tiên, đến mức khẳng định cả hai người đã "phải lòng nhau" sau những lá thư.
Giới quan sát thừa nhận đàm phán hạt nhân cũng có những tiến triển khiêm tốn. Đã 13 tháng trôi qua kể từ lần cuối cùng Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân hay tên lửa đạn đạo tầm xa. Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo đều xem đây là "quả ngọt" đầu tiên trong chiến lược ngoại giao đường dài.
Quan hệ giữa hai miền bán đảo Triều Tiên cũng ấm dần lên sau hơn nửa thế kỷ, dù nhiều người giữ quan điểm rằng Bình Nhưỡng cố ý thắt chặt quan hệ với Seoul để chia rẽ liên minh Mỹ - Hàn.
Thực tế xa kỳ vọng
Mục tiêu chiến lược ban đầu của ông Trump là chấm dứt chứ không phải tạm hoãn mối đe dọa hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.
Ông đã hứa với cử tri Mỹ sẽ "giải quyết" vấn đề Triều Tiên chứ không lặp lại những sai lầm của các đời tổng thống tiền nhiệm. Ông từng cử ngoại trưởng đầu tiên của mình, Rex Tillerson, đến Seoul vào tháng 3/2017 với thông điệp rằng chỉ đóng băng chương trình hạt nhân Triều Tiên là không đủ.
Vào thời điểm đó, ông Tillerson từng tuyên bố Mỹ sẽ không đàm phán và không dỡ bỏ lệnh trừng phạt cho đến khi Triều Tiên bắt đầu tháo dỡ các cơ sở hạt nhân. Chính phủ Mỹ khi đó tuyên bố chính sách "kiên nhẫn chiến lược" với Triều Tiên đã chấm dứt.
Giờ đây, việc chấp nhận để Triều Tiên đóng băng chương trình hạt nhân có thể phá hỏng kế hoạch gây sức ép toàn diện của Mỹ. Ông Trump buộc phải cân nhắc lùi bước trước mục tiêu Triều Tiên không còn vũ khí hạt nhân. Điều này đồng nghĩa rằng Mỹ phải chấp nhận Triều Tiên là một đất nước được vũ trang hạt nhân, tương tự như cách Mỹ ứng xử với Pakistan, Ấn Độ và Israel.
"Ông Kim có vẻ đã nói thẳng rằng lòng kiên nhẫn của mình đang cạn kiệt trước yêu sách đơn phương giải giáp vũ khí hạt nhân (mà Mỹ đặt ra)", Vipin Narang, giáo sư Viện Công nghệ Massachusetts, nhận định.
"Nếu 'không vũ khí hạt nhân' không được chấp nhận trên bàn đàm phán, một đề xuất kiểu 'dưới 100 vũ khí hạt nhân' có thể là sự thay thế tốt hơn", Robert S. Litwak, học giả tại Trung tâm Wilson, đánh giá.
Đối với những người hoài nghi trước chiến lược "sức ép tối đa" của chính phủ ông Trump, cách tiếp cận mà ông Kim đề nghị - giải trừ hạt nhân và tháo gỡ cấm vận từng bước - được đánh giá là con đường duy nhất để giải quyết thành công mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ kiềm hãm chứ không loại bỏ hoàn toàn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
"Mấu chốt vấn đề là: Bình Nhưỡng muốn vừa giữ chương trình hạt nhân, tiếp cận Mỹ theo một lộ trình cải thiện quan hệ, thuyết phục Mỹ rằng Triều Tiên sẽ không dùng đến hạt nhân hay phổ biến nó. Đồng thời, họ muốn thu về lợi ích từ mối quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ", cựu quan chức ngoại giao Mỹ Evans Revere phân tích.
"Liệu những mục tiêu khác biệt và đầy mâu thuẫn này có thể dung hòa không? Tôi nghĩ là không", Revere nhận định.
Theo Thanh Danh (Tri Thức Trực Tuyến)