Ngày 02/01, chiếc máy bay chở 379 người thuộc Hãng hàng không Japan Airlines đã bất ngờ va chạm mạnh với một chiếc phi cơ của Lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản tại Sân bay Haneda (Tokyo).
Vụ va chạm đã ngay lập tức làm cả hai chiếc máy bay thiệt hại nặng nề và khiến 5 trong số 6 người trên máy bay của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thiệt mạng. Trong khi đó, tất cả 379 hành khách và phi hành đoàn trên chiếc Airbus A350 đều sống sót nhờ sơ tán khỏi máy bay kịp thời.
Việc đảm bảo an toàn cho 379 người này đã được ca ngợi là "kỳ tích" và công lao lớn nhất được nhắc đến chính là phản ứng nhanh chóng, chuyên nghiệp của đội ngũ tiếp viên hàng không.
Trên thực tế, ít ai biết được rằng 1 vụ tai nạn thảm khốc cách đây 40 năm đã khiến Japan Airlines luôn nỗ lực để trở thành một trong những hãng hàng không an toàn nhất trên thế giới với quy trình đào tạo đội ngũ nhân viên cực kỳ nghiêm ngặt.
Bài học đau lòng từ quá khứ
Vào ngày 12/8/1985, chuyến bay mang số hiệu JAL123 của hãng hàng không Japan Airlines đã gặp tai nạn thảm khốc khi nó đang thực hiện hành trình từ Sân bay Haneda (Tokyo) đến sân bay tại thành phố Osaka trên chiếc Boeing 747SR.
Ban đầu, chuyến bay chở 524 hành khách và thành viên phi hành đoàn dự kiến sẽ di chuyển trong 54 phút. Tuy nhiên, vào lúc 18h12 (giờ địa phương), một vụ nổ lớn đã bất ngờ xảy ra ở phần đuôi khiến máy bay lắc lư, trần phía trên nhà vệ sinh phía sau máy bay bị xé toạc.
Sau những nỗ lực cứu vãn không có hiệu quả, chiếc Boeing 74SR đã rơi tự do và đã đâm thẳng vào khu rừng rậm trên núi Osutaka (Takamagahara) và khiến cho 520 người thiệt mạng, 4 người bị thương nặng nhưng đều may mắn sống sót.
Các nhà điều tra cho rằng, sai sót trong quy trình sửa chữa máy bay của những kỹ thuật viên đã không được tuân theo nghiêm ngặt và khiến cho phần đuôi máy bay phải chịu lực nén gấp đôi so với thông thường, dẫn đến vụ tai nạn máy bay đơn lẻ nguy hiểm nhất trong lịch sử hàng không.
Quy trình đào tạo tiếp viên của hãng hàng không "an toàn bậc nhất thế giới"
Vụ việc của chiếc máy bay JAL123 được cho là đã tác động không nhỏ đến ngành hàng không ở Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung. Từ kỳ tích của vụ việc của chuyến bay JAL516, không ít các chuyên gia cho rằng việc đào tạo và đảm bảo quy chuẩn an toàn cực nghiêm ngặt của của Japan Airlines đã góp một phần không nhỏ.
Theo một bài báo được đăng tải trên Gigazine, việc đào tạo các các tiếp viên của Japan Airlines chủ yếu sẽ được triển khai theo 4 phần chính: Đào tạo nhân viên mới; Đào tạo loại; Tái huấn luyện và Diễn tập cứu hộ thông thường.
Trong đó, quá trình "Đào tạo cho nhân viên mới" sẽ bắt đầu ngay sau khi nhân viên gia nhập công ty trong khoảng 2 tháng cho đến khi nhân viên có thể thực hiện chuyến bay nội địa đầu tiên của mình. Sau một năm rưỡi làm việc trên các chuyến bay nội địa, các tiếp viên sẽ tiếp tục được đào tạo trong vòng hơn 1 tháng và chuẩn bị thực hiện các chuyến bay quốc tế.
Đối với trường hợp các tiếp viên tạm nghỉ công việc trong khoảng thời gian >6 tháng, ngay khi quay lại họ sẽ được "Tái đào tạo" kỹ càng trong một khoảng thời gian trước khi trở lại với công việc của mình.
Đối với các tiếp viên và nhân viên khác, lãnh đạo Japan Airlines cho biết họ đều được đào tạo mỗi năm một lần về quy trình sơ tán, mô phỏng các tình huống khác nhau như hạ cánh trên biển, sự cố hỏa hoạn, máy bay giảm áp suất hay khi không thể liên lạc với buồng điều khiển,...
Trong đó, một loạt các kỹ năng về đảm bảo an toàn và sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp cũng được huấn luyện và yêu cầu các tiếp viên nắm chắc bao gồm: Kiểm soát hoảng loạn, yêu cầu khách không mang theo hành lý, hướng dẫn hành khách trượt khi thoát ra ngoài, hỗ trợ hành khách rời khỏi máng trượt phao khẩn cấp,... đều được đặc biệt lưu ý.
Việc đào tạo bài bản và nghiêm ngặt trong suốt nhiều năm của Japan Airlines đã ngay lập tức cho thấy hiệu quả sau sự cố va chạm máy bay vào ngày 02/01. Trước đó, hãng hàng không này thường xuyên được vinh danh trong số các hãng hàng không an toàn nhất thế giới, theo danh sách của Airlineratings.
Tổng biên tập Geoffrey Thomas cho biết: "Japan Airlines đã đạt được (kỷ lục) an toàn tuyệt vời kể từ năm 1985. Nó được trang web của chúng tôi đánh giá là hãng hàng không bảy sao hàng đầu và đã vượt qua tất cả các cuộc kiểm tra an toàn quan trọng. Ngoài ra, cơ quan quản lý an toàn hàng không của Nhật Bản thực hiện tốt hơn tám tiêu chí giám sát so với mức trung bình của thế giới về tuân thủ".
Theo Thanh Tâm (Phụ nữ Thủ đô)