Nhật Bản: Cách đưa 367 hành khách thoát khỏi máy bay bốc cháy 'mẫu mực như sách giáo khoa'

04/01/2024 15:39:36

Cơ trưởng là người cuối cùng trượt xuống máng trượt sau khi toàn bộ 367 hành khách đã thoát hiểm. Lúc đó là 18 giờ 5 phút - đúng 18 phút sau khi máy bay đáp xuống.

Vụ tai nạn xảy ra khi chiếc máy bay của Japan Airlines (JPL) đang hạ cánh xuống sân bay Haneda ở thủ đô Tokyo – Nhật Bản hôm 2-1, trong khi máy bay của Cảnh sát biển Nhật Bản chuẩn bị cất cánh làm nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân vụ động đất ngày đầu năm mới 2024.

Cú va chạm khiến 2 máy bay chìm trong biển lửa.

Phi hành đoàn quyết đoán

Dựng lại hiện trường dựa trên lời kể của phi hành đoàn sau 1 ngày xảy ra tai nạn, lãnh đạo hãng hàng không lớn thứ hai Nhật Bản cho biết phi hành đoàn đã tuân thủ chặt chẽ quy trình khẩn cấp theo bài bản được huấn luyện, bắt đầu với quy tắc: Kiểm soát tình trạng hoảng loạn!

Ngay khi chiếc máy bay Airbus A350 dừng lại và bốc cháy, khói nhanh chóng tràn ngập vào trong khoang, 9 tiếp viên đã kêu gọi hành khách giữ bình tĩnh. 

Nhật Bản: Cách đưa 367 hành khách thoát khỏi máy bay bốc cháy 'mẫu mực như sách giáo khoa'
Toàn bộ quy trình sơ tán tất cả 367 hành khách của Japan Airlines diễn ra trong 18 phút. Ảnh: EPA-EFE

Phi hành đoàn nhanh chóng đánh giá tình hình bằng cách quan sát bằng mắt thường bên ngoài máy bay và quyết định dùng lối nào trong số 8 lối thoát hiểm. Họ quyết định sử dụng 2 cửa thoát hiểm đầu tiên ở phía trước.

Sau đó, họ sử dụng những câu mệnh lệnh ngắn gọn, trực tiếp như đã được huấn luyện, chẳng hạn "Bỏ hành lý lại" hay "Không đi cửa này".

Một số hành khách kể lại trải nghiệm kinh hoàng và cho rằng chính sự sơ tán nhanh chóng đã cứu sống tất cả những người trên máy bay.

"Chỉ 10 phút sau khi rời khỏi máy bay, chúng tôi nghe thấy tiếng nổ. Tôi chỉ có thể nói đó thực sự là một phép màu. Chúng tôi có thể đã chết nếu việc sơ tán chậm trễ" – hành khách Tsubasa Sawada, 28 tuổi, kể lại.

Quyết định đúng đắn

Cẩm nang ứng phó trong trường hợp khẩn cấp quy định phi hành đoàn phải nhận được lệnh từ buồng lái mới được phép mở mọi lối thoát hiểm. Cơ trưởng đứng gần 2 lối thoát hiểm phía trước và ra lệnh di tản.

Nhưng lối thoát an toàn thứ ba ở phía sau không thể thông được vì hệ thống liên lạc nội bộ không còn hoạt động. Đây cũng là cửa thoát hiểm duy nhất không bị lửa bao vây bên ngoài.

JAL cho biết phi hành đoàn sau đó đã đưa ra quyết định đúng đắn khi vẫn mở cửa, cho phép hành khách trượt xuống cầu trượt khẩn cấp.

Cơ trưởng là người cuối cùng trượt xuống máng trượt sau khi toàn bộ 367 hành khách đã thoát hiểm. Lúc đó là 18 giờ 5 phút, đúng 18 phút sau khi máy bay đáp xuống - theo đài NHK.

Quyết định đúng đắn nhờ tất cả tiếp viên đều được đào tạo mỗi năm một lần về quy trình sơ tản khẩn cấp, mô phỏng các tình huống khác nhau, như phải làm gì khi không thể liên lạc với buồng lái.

Nhật Bản, Pháp, Anh cùng vào cuộc vụ máy bay va chạm bốc cháy

Hành khách tuân thủ và hợp tác

Sự cố tại sân bay Haneda là vụ tai nạn nghiêm trọng đầu tiên liên quan đến máy bay Airbus A350 kể từ khi nó được đưa vào khai thác năm 2015.

Đây cũng là lần đầu tiên một máy bay chở khách được chế tạo chủ yếu từ vật liệu tổng hợp carbon nhẹ bị thiêu rụi hoàn toàn.

Chiếc A350-900 được chứng nhận có thể chở tới 440 hành khách và có thể di tản trong vòng 90 giây với chỉ một nửa số lối thoát hiểm có thể sử dụng được.

Hiện chưa rõ phần nào của hoạt động kéo dài 18 phút đã được thực hiện để đưa hành khách xuống cầu trượt. Các chuyên gia an toàn hàng không cho biết các cuộc phỏng vấn với hành khách sẽ được xem xét trên toàn thế giới để giúp định hình giải pháp sơ tán khẩn cấp trong tương lai.

Phát ngôn viên hãng Airbus nhận xét: "Cần đánh giá cao phi hành đoàn của JAL vì hành động giúp hành khách thoát thân của họ mẫu mực như trong sách giáo khoa".

Lãnh đạo JAL cũng khen ngợi hành khách tuân thủ kỷ luật và hợp tác với phi hành đoàn để tất cả đều được sơ tán an toàn khỏi máy bay, trong đó có 8 trẻ em tuổi mẫu giáo, đặc biệt là không ai trì hoãn để cố lấy hành lý.

Theo Bằng Hưng (Nld.com.vn)

Nổi bật