Thảm kịch ở Ấn Độ: Hàng ngàn đứa trẻ 'bỗng nhiên' mồ côi hậu Covid-19

19/06/2021 19:45:00

Devika, mới 23 tuổi và là một cô giáo tương lai, bỗng chốc trở thành trụ cột của gia đình, chăm sóc 5 đứa em, từ 4 đến 14 tuổi. Devika hầu như không có thời gian để đau buồn.

Hàng ngàn trẻ em ở Ấn Độ rơi vào cảnh mồ côi do đại dịch Covid-19 và đối mặt nguy cơ bị bọn buôn người lợi dụng.

Chưa đến 2 tháng, gần 600 trẻ em Ấn Độ mồ côi cha mẹ

Mỗi ngày, Devika thức dậy và chuẩn bị bữa sáng cho 5 người em. Khi tất cả đã cùng ngồi trên sàn nhà, một ngôi nhà được sơn màu khá rực rỡ ở thủ đô New Delhi, cô đặt một đĩa thức ăn trước di ảnh của cha mẹ, những người đã qua đời vì Covid-19 chỉ vài tuần trước.

Devika, mới 23 tuổi và là một cô giáo tương lai, bỗng chốc trở thành trụ cột của gia đình, chăm sóc 5 đứa em, từ 4 đến 14 tuổi. Và thực tế là Devika hầu như không có thời gian để đau buồn. "Nỗi sợ lớn nhất của tôi là liệu có thể yêu các em như cha mẹ không", Devika (đã được đổi tên) tâm sự.

Thảm kịch ở Ấn Độ: Hàng ngàn đứa trẻ 'bỗng nhiên' mồ côi hậu Covid-19
Các em của Devika tại nhà ở New Delhi ngày 2/6/2021 (Ảnh: CNN)

Cô tỏ ra khá lạc quan khi nói rằng: "Tôi sẽ kiếm được tiền, tôi có niềm tin vào bản thân. Em gái tôi cũng vậy, tôi có niềm tin vào em ấy. Chúng tôi có thể làm tất cả những gì cần để có thể kiếm ra tiền". Nhưng cái chết bất ngờ của cha mẹ thật sự để lại khoảng trống quá lớn cho cô và các em. "Làm thế nào chúng tôi có thể lấp đầy khoảng trống đó?", cô tự hỏi.

Nhưng ở Ấn Độ giờ đây, những đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ như thế này không phải là câu chuyện cá biệt.

Trên thực tế, các em nằm trong số ít nhất 577 trẻ em Ấn Độ mất cả cha lẫn mẹ vì Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến 25/5, theo số liệu của chính phủ nước này. Đây là thời điểm quốc gia Ấn Độ này phải gồng mình chống chọi với đợt bùng phát dịch lần hai kinh hoàng. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ lo ngại, rất nhiều trẻ mồ côi khác - có thể là hàng nghìn trẻ - đã bị bỏ sót do khó khăn trong việc xác định thống kê số liệu những trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Các nhân viên công tác xã hội Ấn Độ đang cố gắng mở rộng chiến dịch tìm kiếm những đứa trẻ chưa được thống kê vì lo ngại, các em có thể bị những kẻ buôn người lợi dụng hoặc phải mưu sinh trên đường phố.

Cuộc sống thay đổi hoàn toàn vì Covid

Chỉ vài tháng trước, cuộc sống của Devika và gia đình hoàn toàn khác. Devika chú tâm vào học để lấy bằng sư phạm. Thỉnh thoảng, cô đi dạy thêm lúc rảnh rỗi. Cha cô là pandit (giáo sĩ Hindu) tại một ngôi đền. Và ông thường được mọi người mời đến nhà làm lễ. Bất chấp đại dịch bùng phát dữ dội ở thủ đô, ông khăng khăng ra ngoài làm việc. Mẹ cô chủ yếu ở nhà chăm sóc bọn trẻ và đôi khi đến giúp việc ở các ngôi đền.

Vào cuối tháng 4, khi Ấn Độ báo cáo hơn 350.000 ca mới mỗi ngày, các bệnh viện quá tải và nguồn cung cấp oxy cạn kiệt, người mẹ 38 tuổi của Devika báo cho cô tin gây lo lắng: bà bị sốt. Devika sau đó cách ly các em trên tầng 2, nhưng đã quá muộn. Cả gia đình - gồm cả người cha 53 tuổi của cô - đều phát sốt. Mặc dù cô và các em chưa bao giờ được xét nghiệm Covid-19, mẹ của Devika sau đó có kết quả dương tính tại bệnh viện. Những đứa trẻ sau đó tự hồi phục. Tuy nhiên, tình trạng của người mẹ lại càng xấu đi. Trong khi đó, bà lại không được điều trị do các bệnh viện đều quá tải. Sau khi đến hỏi thăm 3 bệnh viện trong một đêm, Devika cuối cùng tìm thấy một bệnh viện ở thành phố gần đó và quyết định đưa mẹ đến đó, dù ở đó cũng không có bình oxy hoặc máy thở.

"Chúng tôi thực sự quá bất lực. Chúng tôi đã làm bất cứ điều gì có thể làm được nhưng vẫn thất bại", Devika nói. Cùng lúc đó, cha cô được đưa vào bệnh viện ở New Delhi. Khi người mẹ qua đời vào ngày 29/4, Devika không đủ can đảm để nói với cha.

Devika nhớ lại khoảnh khắc thi thể của mẹ được đưa đến bệnh viện New Delhi, nơi cha cô đang được điều trị, để ông có thể nhìn thấy bà lần cuối trước khi đem đi hỏa táng.

"Mẹ ở trong xe cấp cứu, cha chạy khỏi bệnh viện và sau đó ông nhìn thấy mẹ. Ông cụp mắt xuống và không nói gì", Devika kể lại. Sau đó, cô cho rằng, cha mình đã mất ý chí sống. Chỉ một tuần sau, vào ngày 7/5, ông cũng qua đời vì Covid-19. "Chúng tôi nghĩ cha muốn đi cùng mẹ. Cha tôi rất yêu mẹ. Bây giờ họ đang ở bên nhau", cô nói và khóc.

Sau khi cha mẹ qua đời, Devika lo cho số phận của các em và đã gọi đến đường dây nóng chăm sóc trẻ em của chính phủ. Họ nói rằng cô giờ là người giám hộ chính - và việc phải làm gì là do cô tự quyết định. Vài tuần trở lại đây, cô cảm thấy mọi việc thật mờ mịt. Devika đã phải đi vay nợ để trả tiền điều trị cho cha mẹ và giờ cả nhà cô cũng sống nhờ vào số tiền đó. Cô vừa phải chăm sóc các em vừa phải tiếp tục việc học và đi làm thêm.

Giờ đây, tương lai của các em đè nặng lên vai Devika. Cô vẫn chưa nói với các em rằng cha mẹ đã chết mà chỉ nói rằng họ đã trở về làng ở quê. Khi cha mẹ còn sống, Devika đặt câu hỏi vì sao họ vẫn bất chấp ra ngoài làm việc khi đại dịch hoành hành. Devika cho rằng, điều quan trọng là an toàn và sống sót chứ không phải là kiếm tiền. "Tôi không bao giờ hiểu tại sao nhưng bây giờ tôi đã hiểu", cô đau buồn nói.

Thảm kịch ở Ấn Độ: Hàng ngàn đứa trẻ 'bỗng nhiên' mồ côi hậu Covid-19 - 1

Tương lai nào cho những đứa trẻ đáng thương?

Các tổ chức xã hội đang tìm kiếm trẻ em có thể cần hỗ trợ, dựa vào mạng xã hội, các nguồn tin và các cuộc gọi đến Childline, một dịch vụ hỗ trợ của Bộ Phụ nữ và Phát triển Trẻ em, được thành lập trước khi Covid-19 bùng phát.

Trẻ em nông thôn khó tiếp cận với sự hỗ trợ hơn. Giám đốc điều hành của tổ chức "Save the Children" ở Ấn Độ Sudarshan Suchi, cho biết trẻ ở nông thôn có ít quyền truy cập Internet và ít mạng lưới giúp đỡ hơn. "Nhưng điều khiến chúng tôi lo lắng hơn là những điều mình không biết", ông Suchi nói. Trẻ em nông thôn cũng phải đối mặt với những hạn chế về di chuyển, thông tin không chính xác và bị nỗi lo bị những người hàng xóm kỳ thị vì lo sợ bị lây nhiễm.

Có một trường hợp, nhân viên của "Save the Children" đã phát hiện 2 đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ do Covid-19. Cả hai đều bị nghi ngờ nhiễm bệnh, vì vậy những người hàng xóm trong khu ổ chuột nơi các em sinh sống xa lánh các em và những đứa trẻ không thể sử dụng phòng tắm chung, ông Suchi cho biết. "Nếu trước đây xảy ra trận động đất hoặc lũ lụt ở một ngôi làng hoặc khu bản địa nhỏ, mọi người đoàn kết tìm cách giải cứu. Nhưng trong dịch Covid-19, suy nghĩ đầu tiên của mọi người là tránh xa".

Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, trẻ em có thể được kết nối với những người thân khác trong gia đình - nơi các em sẽ được chăm sóc tốt hơn, Anurag Kundu, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền trẻ em ở New Delhi cho biết. Nhưng các tổ chức xã hội lo lắng, nếu chậm trễ, những đứa trẻ dễ bị tổn thương và có nguy cơ rơi vào tay những kẻ buôn người hoặc phải lang thang mưu sinh trên đường phố.

Hồi tháng 5, Bộ trưởng Nội các Liên minh về Phụ nữ và Phát triển Trẻ em Smriti Z Irani kêu gọi những người khi nghe tin về trẻ em mồ côi hãy báo cho chính quyền, đồng thời không chia sẻ thông tin như vậy trên mạng xã hội, để các em không trở thành mục tiêu của bọn buôn người. "Tất cả chúng ta phải đảm bảo việc nhận con nuôi hợp pháp, nếu không trẻ em có thể bị buôn bán dưới danh nghĩa nhận con nuôi", bà viết trên Twitter.

Có rất ít dữ liệu về số lượng trẻ em bị buôn bán do đại dịch, nhưng đã có dấu hiệu gia tăng số trẻ em vô gia cư. Nguyên nhân có thể là cha mẹ các em đã chết vì Covid-19, hoặc vì cha mẹ không còn khả năng chăm sóc cho con vì mất việc làm.

Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền trẻ em ở New Delhi cho biết, ngay cả trước khi bùng nổ làn sóng đại dịch thứ hai, số trẻ em vô gia cư đã tăng lên - hầu hết có khả năng là do tình trạng đóng cửa kéo dài nhiều tháng của Ấn Độ khiến hàng triệu người mất việc. "Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều trẻ em trên đường trong suốt cuộc đời mình như trong 12 tháng qua", ông Kundu nói và nhấn mạnh "hậu quả kinh tế xã hội sẽ càng rõ ràng hơn trong thời gian tới".

Hiện tại, vấn đề quan trọng là giữ an toàn cho trẻ. Nhưng chính số phận của những đứa trẻ mồ côi do Covid-19 ở Ấn Độ là minh chứng rõ nét nhất về sự tàn phá kinh hoàng của đại dịch trong năm qua và có thể sẽ kéo dài nhiều năm sau đó.

Chính phủ Ấn Độ đã triển khai hỗ trợ tài chính cho trẻ em mồ côi do Covid-19, với gói giáo dục miễn phí và một quỹ cá nhân trị giá 13.732 USD, được cấp hàng tháng trong 5 năm cho đến khi chúng đủ 18 tuổi.

Đại diện của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ở Ấn Độ, Yasmin Ali Haque cũng cho rằng, điều quan trọng không chỉ là hỗ trợ nhu cầu vật chất cho trẻ gồm chỗ ở, thức ăn, giáo dục - mà còn cả tác động tâm lý. Bà nói: "Đứa trẻ thiếu thốn tình cảm yêu thương chăm sóc của cha mẹ. Tác động tâm lý xã hội đối với chúng có thể lâu dài, có thể là suốt đời".

Theo Nam Anh (Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)

Nổi bật