Có 6 trường hợp mang một đột biến mới của biến thể Delta (hay B.1.617.2) của virus SARS-CoV-2 đã được ghi nhận tại Ấn Độ tính đến ngày 7/6. Đột biến mới này mang ký hiệu K417N và được gọi là biến thể Delta+. Tuy nhiên, các chuyên gia dịch tễ cho rằng tới thời điểm này, tần suất xuất hiện của đột biến L417N không nhiều ở Ấn Độ.
Biến thể Delta (B.1.617.2) được phát hiện lần đầu tiên ở bang Maharashtra, Ấn Độ tháng 10/2020. Biến thể này được cho là đã đột biến thành một biến thể nguy hiểm hơn và có khả năng kháng lại phương pháp dùng kháng thể đơn dòng trong điều trị Covid-19.
Biến thể Delta gây ra những hậu quả ghê gớm với hệ thống y tế trên thế giới và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách ‘biến thể đáng lo ngại ở cấp độ toàn cầu’ vì khả năng lây truyền tăng lên đáng kể. Rất nhiều quốc gia khẳng định rằng biến thể Delta chính là nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát Covid-19 gần đây. Biến thể này hiện đã biến đổi thành một biến thể mới được gọi là Delta + hoặc AY.1.
Theo cơ quan y tế công cộng thuộc chính phủ Anh, 63 bộ gen của Delta mang đột biến K417N đã được công bố trên Nền tảng chia sẻ dữ liệu về cúm toàn cầu (GISAID). Theo các chuyên gia y tế, để ngăn chặn thành công số lượng đột biến của virus SARS-CoV-2, cần phải tăng tốc độ tiêm chủng.
Theo WHO, tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 ít nhất phải là 80% dân số để giảm đáng kể nguy cơ bùng phát rộng hơn từ các ca bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Mặc dù tần suất biến thể Delta+ ở Ấn Độ vẫn còn thấp, tuy nhiên nước này không được tự mãn, chủ quan mà phải cố gắng đạt được mức độ bao phủ tiêm chủng cao hơn./.
Theo PV (Vov.vn)