Trong bối cảnh các bác sĩ và nhân viên y tế liên tục đình công để phản đối cuộc đảo chính của quân đội, hệ thống chăm sóc y tế của Myanmar thật sự đối mặt nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát.
3 ngày trước khi bị lực lượng quân đội đảo chính bắt giữ, lãnh đạo dân sự của Myanmar, bà Suu Kyi, đã được tiêm liều vắc xin Covid-19 đầu tiên. Việc tiêm vắc xin cho bà Suu Kyi nằm trong chiến dịch tiêm chủng đại trà toàn quốc nhằm phòng chống dịch bệnh, cùng với việc xét nghiệm, đeo khẩu trang, phong tỏa.
Tuy nhiên, chiến dịch phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của bà Suu Kyi cuối cùng cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như chính phủ dân sự mà bà đứng đầu. Nó bị quân đội gạt bỏ ngay sau khi lên nắm chính quyền từ cuộc đảo chính ngày 1/2.
QUÂN ĐỘI THỜ Ơ CHỐNG DỊCH, NGƯỜI DÂN TRẢ GIÁ
Người đứng đầu văn phòng Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Myanmar Alessandra Dentice cho biết: “Chính phủ Myanmar đã nỗ lực thúc đẩy công tác phòng chống dịch, kiểm tra, giám sát và thực hiện chiến dịch tiêm chủng. Và tất cả những điều đó sụp đổ chỉ sau ngày đầu tiên của tháng 2”.
Giờ đây, quốc gia Đông Nam Á này đang quay cuồng trong thảm họa. Và giờ đất nước này đang phải trả giá cho sự thờ ơ của quân đội đối với đại dịch. Theo dữ liệu của Bộ y tế Myanmar, số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày đã tăng mạnh. Do nhiều hạn chế trong việc xét nghiệm, tỷ lệ ca dương tính đã tăng lên gần 22% vào thứ hôm 1/7. Các chuyên gia y tế cho rằng, còn rất nhiều ca nhiễm khác chưa được phát hiện.
Điều đáng lo ngại nhất là các đợt bùng phát tại 3 cộng đồng lớn nhất gần biên giới với Ấn Độ, quốc gia chứng kiến làn sóng tàn phá kinh hoàng của biến chủng Delta vốn rất dễ lây lan và cực kỳ nguy hiểm. Nhiều ca nhiễm ở Myanamar được ghi nhận nhiễm biến chủng Delta.
Tính đến ngày 1/7, chính quyền quân đội ban lệnh cấm đi tại 20 thị trấn ở 6 tiểu bang và khu vực do dịch bùng phát. Covid-19 cũng đã tấn công Yangon, thành phố lớn nhất nước này và cả thủ đô Naypyidaw. Tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, tất cả 7 thị trấn đã bị phong tỏa từ hôm 1/7. Trong khi đó, từ tuần trước, 6 bệnh viện trong thành phố đã quá tải bệnh nhân Covid-19, theo một tổ chức từ thiện y tế địa phương.
KHI QUÂN ĐỘI NẮM QUYỀN KIỂM SOÁT VẮC XIN
Các chuyên gia y tế quốc tế đã từng ca ngợi chương trình tiêm chủng của Myanmar. Trước khi bị lật đổ, chính phủ dân sự của bà Suu Kyi đã mua được 3,5 triệu liều vắc xin từ Ấn Độ và lô đầu tiên đã đến nước này vào cuối tháng 1. Chính phủ đã tiêm cho 105.000 nhân viên y tế - và nhiều quan chức hàng đầu - trong những ngày trước cuộc đảo chính.
Một phát ngôn viên của Bộ y tế của chính quyền quân đội hiện nay, tiến sĩ Khin Khin Gyi, nói rằng tất cả 3,5 triệu liều đã được tiêm và nhiều liều trong số đó đã được tiêm cho người dân tại các trung tâm tiêm chủng trên cả nước. Bà cho biết kể từ đó, Trung Quốc đã viện trợ 500.000 liều vắc xin Sinopharm, trong đó 200.000 liều dành cho quân đội.
Quân đội đứng đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà, nhưng lại phớt lờ các kế hoạch ưu tiên tiêm cho người cao tuổi. Theo một bác sĩ tại bệnh viện quân đội Yangon, quân đội ưu tiên tiêm cho binh sĩ. Để phản đối, nhiều bác sĩ đã từ chối nhận những liều tiêm thứ hai.
Tiến sĩ Stephan Paul Jost, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Myanmar, cho biết, quân đội không sẵn sàng cung cấp thông tin chi tiết về chương trình tiêm chủng. Việc này khiến Covax, chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu, hoãn giao lô hàng 5,5 triệu liều cho Myanmar vào tháng 3. Và cho đến nay, Covax cũng chưa lên kế hoạch chuyển bất kỳ lô hàng vắc xin nào cho Myanmar.
Tình trạng thiếu hụt vắc xin cùng với thực tế là hệ thống chăm sóc y tế của Myanmar đang gặp nhiều khó khăn sau đảo chính khiến nước này đối mặt nhiều thách thức khi dịch bệnh bùng phát.
Các bác sĩ và nhân viên y tế đã đình công để phản đối cuộc đảo chính và quân đội đã chiếm đóng hàng chục cơ sở y tế, khiến nhiều bệnh nhân không dám đến bệnh viện vì sợ bị giam giữ hoặc bị bắn. Một số bác sĩ ước tính, hàng trăm bệnh nhân đang chết mỗi tuần vì không được chăm sóc y tế cần thiết.
“Giới chức Myanmar trên thực tế cần tạo ra một môi trường nơi mọi người có thể làm việc và bệnh nhân có thể được chăm sóc mà không cảm thấy lo sợ”, tiến sĩ Jost nói.
THẢM HỌA KÉP
Một trong những nơi bị Covid-19 tàn phá nặng nề nhất là thị trấn Kalay, cách biên giới với Ấn Độ khoảng 100km. Hồi tháng 4, các binh sĩ sử dụng súng máy và súng phóng lựu tấn công những người biểu tình chống đảo chính ở đó khiến ít nhất 11 người thiệt mạng.
Giờ đây, Bệnh viện Đa khoa Kalay, bệnh viện công duy nhất trong khu vực, bị quá tải bởi số ca bệnh Covid-19 tăng vọt. New York Times dẫn lời ông Lal Puia, người đứng đầu Trung tâm Cộng đồng Ate Sut, nơi đã được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến, cho biết, tất cả các giường bệnh đều có bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Ông nói, hơn 250 người có kết quả xét nghiệm dương tính đang ở đó và nhiều người khác đang ở nhà, nơi họ có nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình.
Chính quyền thị trấn đã yêu cầu người dân ở trong nhà. Đường phố vắng tanh, ngoại trừ những người mua đi thực phẩm và thuốc men hoặc cố gắng thuê bình oxy, đều là những thứ đang thiếu hụt ở đây.
Chính phủ Myanmar báo cáo đã có 138 bệnh nhân Covid-19 tử vong trên toàn quốc trong 2 tháng qua, trong đó có đến 13 nạn nhân tử vong trong ngày 1/7. Ông Lal Puia ước tính, gần 400 người đã thiệt mạng chỉ riêng trong cộng đồng của ông trong cùng thời gian đó, mặc dù con số này chưa được xác nhận. “Chính quyền quân sự không làm gì để phòng chống Covid-19 ở đây nên mọi người phải tự lo liệu”, ông Lal nói và cho biết thêm: “Bây giờ, tình hình rất tồi tệ. Nhà nào cũng có bệnh nhân Covid-19 vì không đủ chỗ cách ly”.
Tình hình ở Kalay tồi tệ đến mức một phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 đã tử vong vào tháng trước vì không được điều trị, New York Times dẫn lời một người thân cho biết. Theo lời kể, nạn nhân là cô Bual Cin Par, 37 tuổi. Lúc đó, Bual Cin Par đang gắng sức để sinh con thì một binh sĩ đuổi khỏi bệnh viện và đe dọa sẽ bắn nếu cô không rời đi. Cô sau đó tự thuê bình oxy nhưng tử vong ngay sau khi về nhà.
Myanmar đã hứng chịu đợt bùng phát dịch kinh hoàng từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021, với hơn 140.000 ca nhiễm và 3.100 ca tử vong. Theo dữ liệu của Bộ Y tế dưới thời bà Suu Kyi, chính phủ đã xét nghiệm cho hơn 20.000 người mỗi ngày và gần như đã ngăn chặn được dịch vào ngày 1/2./.
Theo Nam Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)