“Các sự kiện kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2, bao gồm cả những hành vi bạo lực chết người, đã làm nảy sinh sự cần thiết cho lệnh cấm này. Chúng tôi tin rằng, rủi ro từ việc cho phép quân đội Myanmar hoạt động trên Facebook và Instagram là rất lớn", Facebook tuyên bố trong một bài viết mới được đăng tải.
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ cũng cho biết, họ sẽ cấm tất cả "các thực thể thương mại có liên hệ với quân đội Myanmar" quảng cáo trên các nền tảng của mình. Quyết định này được đưa ra do "những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng cùng nguy cơ bạo lực rõ ràng do quân đội khởi xướng trong tương lai ở Myanmar", cũng như nhiều lần vi phạm các quy tắc trên Facebook của lực lượng này kể từ sau cuộc đảo chính.
Chính phủ quân sự Myanmar hiện chưa đưa ra bình luận trước động thái trên.
Facebook vốn được sử dụng rộng rãi ở Myanmar, và là một trong những cách thức để quân đội và chính phủ nước này giao tiếp với người dân, bất chấp động thái cấm sử dụng nền tảng này của quân đội Myanmar trong những ngày đầu sau cuộc đảo chính.
Theo hãng thông tấn Reuters, Facebook những năm gần đây đã hợp tác với các nhà hoạt động cùng các chính đảng ở Myanmar trong việc kiềm chế ảnh hưởng của quân đội, sau khi nền tảng này vấp phải nhiều chỉ trích của quốc tế vì không ngăn chặn được các chiến dịch gây thù địch trực tuyến.
Vào năm 2018, Facebook đã cấm hoạt động đối với Tư lệnh Min Aung Hlaing, cùng 19 sĩ quan và tổ chức cấp cao khác, đồng thời gỡ bỏ hàng trăm trang và tài khoản do các thành viên quân đội Myanmar điều hành, bởi những các hành vi bị cho là không chính danh.
Trước cuộc tổng tuyển cử tại Myanmar hồi tháng 11 năm ngoái, Facebook thông báo đã gỡ bỏ mạng lưới gồm 70 tài khoản và trang tin giả mạo do các thành viên quân đội điều hành, do những trang này chỉ đăng tải các nội dung tích cực về quân đội Myanmar hoặc chỉ trích nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và đảng của bà.
Cũng trong hôm 25/2, Facebook cho biết đã có những nỗ lực nhằm khôi phục các trang mạng do quân đội điều hành mà nền tảng này đã gỡ bỏ trước đó.
Theo Việt Anh (Vietnamnet)