Thảm họa nhà tiêu thành phố Erfurt năm 1184 là một sự kiện kỳ lạ được pha trộn giữa bi kịch và hài kịch. Câu chuyện lịch sử hơi lầy lội có tên tiếng Đức là Erfurter Latrinensturz và liên quan đến một số lượng lớn các quan chức, quý tộc đã phải chịu số phận tồi tệ khi sàn nhà của nhà thờ sụp đổ dưới sức nặng của họ, đẩy tất cả chết chìm ở hố phân bên dưới.
Nhưng trước khi hiểu rõ về thảm họa nhà tiêu Erfurt, điều quan trọng là phải hiểu bối cảnh lịch sử xung quanh sự kiện đáng tiếc này. Vào thời điểm đó, thành phố Erfurt được cai trị bởi Vua Heinrich VI (còn được gọi là Vua Henry VI) của triều đại Hohenstaufen.
Thời kỳ này có rất nhiều xung đột chính trị và tranh giành quyền lực liên tục giữa các quý tộc phong kiến và các nhà lãnh đạo tôn giáo của Giáo hội Công giáo La Mã. Một cuộc xung đột như vậy đã nổ ra giữa Conrad của Wittelsbach, người là Tổng giám mục của Mainz (còn được gọi là Conrad I), và Ludwig III, Landgrave của Thuringia.
Không rõ chính xác điều gì đã dẫn đến xung đột, nhưng rất có thể sự kiện liên quan đến tranh chấp đất đai hoặc các vấn đề về kiểm soát đất đai. Dù vấn đề là gì, người ta tin rằng Vua Heinrich VI muốn giải quyết xung đột giữa hai người một lần và mãi mãi.
Vua Heinrich VI đã kêu gọi một cuộc họp có sự tham gia của một số quý tộc và quan chức cấp cao thành phố Erfurt. Những người này đóng vai trò rất quan trọng trong việc hòa giải. Chỉ tiếc rằng, tất cả mọi người trong hội đồng hôm đó đều không biết rằng số phận sẽ đẩy họ tới một sự kiện bi hài kịch...
Rất ít tài liệu ghi chép lại sự kiện này, nhưng các nhà sử học cho rằng một nhóm khá lớn gồm các tầng lớp tinh hoa của đế chế đã tụ tập lại để cùng nhau giải quyết, sự kiện này diễn ra tại một trong các phòng của nhà thờ Thánh Peter. Nhưng khi cuộc họp vừa bắt đầu, sàn của căn phòng đột nhiên sụp xuống hố phân của tu viện.
Ít nhất 60 quý tộc đã chết trong vụ việc này, nhưng người ta ước tính rằng facecon số có thể lên tới gần 100. Ludwig III, người có tranh chấp với tổng giám mục, lại tình cờ sống sót.
Trong khi đó, nhà vua và tổng giám mục Conrad cũng may mắn thoát nạn vì họ đã rút vào một trong những ngóc ngách xa xôi của căn phòng để thảo luận về vấn đề chính trị hiện tại. Cả hai đã cố gắng bám vào cửa sổ cho tới khi được giải cứu.
Thật khó để nói chắc chắn liệu những nhà quý tộc chết trong thảm họa nhà tiêu Erfurt là do cú ngã hay do bị chết ngạt bởi bể rác. Không biết liệu xung đột giữa hai người đàn ông ở trung tâm cuộc họp đã được giải quyết hay chưa, nhưng thảm họa nhà vệ sinh Erfurt vẫn là một trong những thảm họa kỳ lạ nhất của châu Âu thời Trung cổ.
Theo Đức 2 Xích (Pháp luật & Bạn đọc)