Vào ngày 23/6, Indonesia đã ghi nhận kỷ lục mới 15.308 ca nhiễm trong 24 giờ, cao nhất từ đầu đại dịch Covid-19 đến nay, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên hơn 2 triệu ca.
Trong khi đó, số ca tử vong vì Covid-19 ở quốc gia Đông Nam Á này tăng thêm 303 ca. Theo Reuters, đại dịch Covid-19 đã lan sang toàn bộ 34 tỉnh Indonesia. Hiện nay Indonesia là quốc gia có số ca nhiễm và ca tử vong do Covid-19 cao nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Bệnh viện quá tải, khan hiếm oxy
Đáng lẽ đây phải là thời điểm gia đình cô Puji Apriani ăn mừng khi thai phụ này chỉ còn thời gian ngắn nữa là hạ sinh con thứ 2. Tuy nhiên, thay vì vui vẻ sắp chào đón một thành viên mới nữa, gia đình cô Puji Apriani lại lâm vào cảnh tang thương.
Chị gái cô Puji Apriani nói: "Tôi nhớ em gái rất nhiều. Nó vốn đang khỏe mạnh, thai kỳ bình thường thì đột nhiên lại ra đi. Con bé cảm thấy khó thở và ho nhiều. Em tôi cũng trải qua những cơn đau dạ dày không ngừng".
Gia đình Puji Apriani sinh sống ở Kudus, Trung Java, một trong những khu vực bị ảnh hưởng Covid-19 nặng nề nhất do số ca nhiễm không ngừng tăng. Là nơi sinh sống của gần 1 triệu người, sau khi số ca nhiễm tăng mạnh trong tháng này, các bệnh viện ở Kudus đang rơi vào tình trạng quá tải.
Sau khi bị 2 bệnh viện từ chối tiếp nhận, thai phụ Puji cuối cùng cũng được nhập viện nhưng mọi thứ đã quá trễ. Tình trạng của cô ấy xấu đi rất nhiều và qua đời không lâu trong bệnh viện. Tại Bệnh viện Đa khoa Loekmono Hadi ở Kudus, bác sĩ Abdul Aziz Achyar cho biết ông "ngạc nhiên" trước mức độ tăng dữ dội trong đợt dịch này, khi hơn 90% giường bệnh đã bị lấp đầy.
"Trong tháng Ramadan, bệnh viện thật yên tĩnh. Chúng tôi chỉ có 18 bệnh nhân. Tuy nhiên, sau đó, nó bắt đầu quá tải", vị bác sĩ nói với Al Jazeera.
153 đồng nghiệp của bác sĩ này cũng bị nhiễm Covid-19 và 2 người trong đó đã tử vong. Các bác sĩ tin rằng đợt bùng phát dịch mới ở Kudus một phần là do sự lây lan của biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ. Tại Bệnh viện Aisyiyah Kudus, bác sĩ Najib Budhiwardoyo cho biết các bệnh viện ở Kudus đang trong tình trạng khan hiếm oxy và hầu hết mọi nơi đã chật kín người bệnh.
Đầm lầy biến thành nghĩa trang
Không chỉ các bệnh viện gần như chạy hết công suất mà tại các nghĩa trang cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ở Thủ đô Indonesia, các khu chôn cất người chết vì Covid-19 được chỉ định, ví dụ như Nghĩa trang Pondok Rangon, được mở trong những tháng đầu của đại dịch đã bị lấp đầy.
Các nhân viên nghĩa trang nói với Al Jazeera rằng họ đang phải vật lộn để theo kịp khối lượng công việc của mình. Darsiman, một nhân viên nghĩa trang làm việc được 20 năm cho hay: "Trước đại dịch, tôi từng đào 10 ngôi mộ mỗi ngày. Tuy nhiên, gần đây, có những hôm chúng tôi đào tới 46 ngôi mộ. Kỷ lục là 51 ngôi mộ một ngày. Chúng tôi rất mệt mỏi vì làm việc từ sáng cho đến tối".
Ở Rorotan, Bắc Jakarta, một khu chôn cất mới cho những người đã chết vì Covid-19 được mở cửa vài tuần trước và hiện đã có hơn 800 người được chôn cất tại đó. Khi số người chết vì Covid-19 tiếp tục tăng, việc tìm kiếm chỗ chôn cất người chết trong thành phố đông đúc là một thách thức lớn.
Tại một khu đầm lầy rộng lớn ở Rorotan, nhiều gia đình buộc phải lựa chọn chôn cất người thân ở đây vì các địa điểm khác đã kín chỗ. Darsiman nói: "Đây là nghĩa trang mới dựng nên chủ yếu dành cho các trường hợp tử vong vì Covid-19. Trời mới mưa nên đường rất lầy lội. Thật buồn khi nhìn thấy những tang lễ tạm bợ diễn ra ở đây, ngay cả xe cứu thương cũng bị mắc kẹt".
Một nhân viên nghĩa trang khác cho biết cảm thấy rất buồn khi phải chứng kiến khung cảnh tang thương và tiếng khóc ai oán từ nhiều gia đình. Thời gian nghỉ ngơi với họ giờ đây là xa xỉ khi liên tục có những xe cấp cứu đến, mang theo các thi hài cần chôn cất.
"Ấn Độ là bài học của chúng ta"
Tại thủ đô Jakarta, hãng tin Reuters ngày 23/6 đã tường thuật câu chuyện phải mất hơn 13 giờ để một thi thể bệnh nhân Covid-19 được thu thập trong bối cảnh số người chết tăng cao.
Cụ thể, cảnh sát khu vực cảng Tanjung Priok cho biết hôm 2/-6, họ đã nhận được cuộc gọi thông báo về một thi thể của bệnh nhân Covid-19 được bọc trong vải trắng và bị bỏ lại trước cửa một ngôi nhà ở Bắc Jakarta. Do không được phép xử lý thi thể bệnh nhân nhiễm bệnh, các sĩ quan cảnh sát đã gọi cho lực lượng chuyên trách địa phương. Tuy nhiên, họ được thông báo là phải chờ.
"Thi thể đó ở vị trí thứ 8 trong danh sách chờ vì lực lượng chuyên trách Covid-19 ở Jakarta đang xử lý thi thể của các bệnh nhân khác", ông Ghulam Pasaribu, cảnh sát trưởng khu vực Tanjung Priok, cho biết.
Ông Ghulam Pasaribu nói rằng thi thể trên đã được thu thập lúc 1h30 sáng 22/6, hơn 13 giờ sau khi được phát hiện. Đây là 1 trong 143 trường hợp tử vong vì Covid-19 được ghi nhận ở Jakarta trong ngày hôm đó, nhiều nhất kể từ đầu đại dịch.
Bà Nadia Siti, người đứng đầu Bộ Y tế, cho biết sự gia tăng các ca bệnh không có gì đáng ngạc nhiên. Bà nói: "Chúng tôi biết rằng nếu có một kỳ nghỉ hoặc sự kiện quan trọng, số lượng người di chuyển và đi du lịch từ các thành phố khác nhau sẽ ngày càng tăng".
"Đội ngũ các bác sĩ, nhân viên y tế và y tá hiện có không đủ đáp ứng. Chúng tôi cần một bác sĩ có kinh nghiệm để giám sát 5 hoặc 10 người mới, những người chưa có kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân. Chúng tôi hy vọng sẽ không phải đối mặt với tình huống tương tự như Ấn Độ. Những gì đã xảy ra ở Ấn Độ là bài học của chúng tôi", bác sĩ Nadia nói.
Nguồn: Al Jazeera, Reuters
Theo Diệp Lục (Pháp Luật & Bạn Đọc)