Quốc gia đông dân thứ 4 thế giới đối mặt làn sóng Covid-19 tệ như Ấn Độ, giới chuyên gia cảnh báo sẽ 'vô cùng tệ hại'

21/06/2021 15:15:56

Giới chức y tế Indonesia cho rằng sự xuất hiện của biến chủng Delta (lần đầu phát hiện tại Ấn Độ) gây ra tình trạng số ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày tăng gần gấp ba trong những tuần gần đây, nhưng một số chuyên gia dịch tễ cũng chỉ ra sai sót trong chính sách phòng chống dịch bệnh.

"Biến chủng virus này lây lan rất nhanh," Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin thừa nhận trong một buổi seminar trực tuyến hôm 19/06, bổ sung thêm rằng biến chủng dường như đã thâm nhập vào nước này thông qua các bến cảng.

"Do nhiều cảng biển Indonesia tiếp nhận hàng hóa và một số tới từ Ấn Độ, biến chủng có thể thâm nhập từ đó," ông nói.

Tuy vậy, một số chuyên gia trả lời phỏng vấn Al Jazeera cho rằng biến chủng Delta không phải là lý do chính khiến tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hơn.

Họ cho rằng số ca nhiễm tăng cao là kết quả của việc người dân bỏ qua lệnh cấm và di chuyển về quê vào cuối tháng Ramadan, của việc thiếu một chính sách y tế rõ ràng kèm theo những thông điệp dễ gây hiểu nhầm, và của quá trình tư nhân hóa xét nghiệm cũng như yếu kém trong rà soát tiếp xúc.

Dù các biện pháp giới hạn di chuyển đã được áp đặt ở các sân bay trong nước và các bến phà từ 22/04 tới 24/05, chính phủ Indonesia ước tính có khoảng 5-6 triệu người di chuyển giữa các thành phố trên hai hòn đảo đông dân nhất của nước này, Java và Sumatra, trong thời gian nghỉ lễ.

"Tất cả các biến chủng Covid-19 đều đáng lo ngại, nhưng chưa thể chứng minh biến chủng Delta chết chóc hơn," giáo sư Gusti Ngurah Mahardika thuộc Đại học Udayana nói. "Nó chỉ đứng thứ hai, đứng thứ nhất ở Indonesia vẫn là biến thể Alpha. Tôi tin rằng biến thể Delta đang được dùng làm cái cớ để biện minh cho việc chính phủ chưa kiểm soát tốt đại dịch".

Quốc gia đông dân thứ 4 thế giới đối mặt làn sóng Covid-19 tệ như Ấn Độ, giới chuyên gia cảnh báo sẽ 'vô cùng tệ hại'
Nhân viên nghĩa trang đưa quan tài bệnh nhân qua đời vì Covid-19 đi chôn cất (Ảnh: AFP)

Giới chức y tế Indonesia hôm 17/06 báo cáo thêm 12.624 ca nhiễm Covid-19 mới trong 24 giờ, mức cao nhất kể từ tháng 02, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên gần 2 triệu.

Mahardika cho rằng gần như không thể xác định lý do số ca nhiễm tăng cao trong thời gian gần đây, do tỷ lệ lây nhiễm "được báo cáo thấp hơn" tới mức không "không thể dựa vào dữ liệu" ở Indonesia. Tuy vậy, ông vẫn chỉ ra một số lý do khả thi.

"Tình trạng người dân di chuyển trong kỳ lễ Ramadan là một trong những nguyên nhân, không có gì nghi ngờ điều đó. Nhưng chúng tôi là một đất nước không có tổ chức rõ ràng, hầu hết hiện nay tập trung vào nền kinh tế, nhiều người đang trải qua cảm giác mệt mỏi vì Covid-19. Tại Denpasar nơi tôi sinh sống, các quán cà phê, nhà hàng đầy ắp khách vào mỗi buổi tối," Mahardika cho hay.

Ahmad Utomo, một nhà tư vấn sinh học phân tử chuyên về chẩn đoán các bệnh nhiễm trùng phổi ở Jakarta, đồng ý rằng biến chủng Delta đang được dùng như một cái cớ để che giấu việc kiểm soát đại dịch yếu kém.

"Tôi rất đồng tình với ý kiến đó. Biến chủng xuất hiện ở đâu đi nữa cũng cần con người hoạt động thì mới có thể nhân bản được. Indonesia đã làm tốt khâu giải mã trình tự gene, đó là lý do họ biết biển chủng Delta đã xuất hiện," ông nêu ý kiến.

"Nhưng biến chủng Delta giống như một chiếc xe thể thao. Nó có thể lây lan rất nhanh. Nhưng tốc độ một chiếc xe thể thao phụ thuộc vào đường đi. Chúng ta phải giảm hoạt động của con người để làm nó lây lan chậm lại," Utomo giải thích.

Utomo cho rằng nhiều người đã không tuân thủ quy tắc phòng chống dịch bệnh và lệnh cấm di chuyển, trong khi chính phủ Indonesia không đầu tư vào xét nghiệm và truy vết.

"Khi người dân muốn di chuyển bằng phà hoặc máy bay, họ sẽ trả tiền xét nghiệm, do đó một nền công nghiệp khổng lồ đã xuất hiện để đáp ứng nhu cầu đó. Nhưng truy vết không mang về đồng tiền nào và bị bỏ qua," Utomo nêu ý kiến.

Tiến sĩ Dicky Budiman, nhà dịch tễ học góp phần xây dựng chiến dịch đối phó với dịch bệnh cho Bộ Y tế Indonesia trong 20 năm qua, cho rằng dù biến chủng Delta được cho là dễ lây lan hơn Alpha, nhưng thực chất biến chủng Alpha mới là thủ phạm chính của đợt bùng phát hiện nay.

"Mức độ lây lan của biến chủng Delta vẫn còn rất nhỏ, trong khi biến thể Alpha đang lây lan thông qua người dân không chấp hành lệnh cấm di chuyển," tiến sĩ Budiman nói với Al Jazeera.

"Tôi đồng ý rằng biến chủng Delta đang được sử dụng như một cái cớ," ông nói thêm.

Quốc gia đông dân thứ 4 thế giới đối mặt làn sóng Covid-19 tệ như Ấn Độ, giới chuyên gia cảnh báo sẽ 'vô cùng tệ hại' - 1
Ảnh minh họa: AFP

Dù vậy, Budiman cũng đánh giá biến chủng Delta sẽ nhanh chóng trở nên phổ biến hơn. Ông lo ngại Indonesia sẽ sớm đối mặt với làn sóng Covid-19 khủng khiếp như Ấn Độ.

"Tháng tới, biến chủng Ấn Độ sẽ dẫn đầu về số ca nhiễm. Tôi dự đoán trong tháng 07 số ca nhiễm trong cộng đồng sẽ rất lớn, trong khi số ca tử vong ở Java cũng tăng cao, do 40% dân số Indonesia sống trên hòn đảo này. Mật độ cao khiến họ rơi vào tình tế rất nguy hiểm," ông nói thêm.

"Nếu các vị hỏi tôi mọi chuyện sẽ tệ đến mức nào thì câu trả lời sẽ là vô cùng tệ, với số ca tử vong cao hơn nhiều, bởi chúng ta đã thấy những gì xảy ra ở Ấn Độ. Biến chủng Delta gây hậu quả rất lớn với các nước không chặt chẽ tuân thủ giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, xét nghiệm và truy vết, tiêm vaccine," ông cho biết.

Do mới chỉ 1% số ca dương tính ở Indonesia đã được phân tích trình tự bộ gene, hiện chưa đủ dữ liệu để đánh giá mỗi biến chủng chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm số tổng số ca bệnh.

Tiến sĩ Nadia Wiweko, phát ngôn viên chiến dịch tiêm chủng của Bộ Y tế Indonesia thừa nhận việc người dân di chuyển bất chấp lệnh cấm góp phần khiến đợt bùng phát xảy ra nhanh hơn.

"Số ca nhiễm có xu hướng tăng cao do cộng đồng di chuyển nhiều trong dịp Ramadan," Wiweko nói với Al Jazeera. "Trước đó, chúng tôi ghi nhận khoảng 3.000 ca/ngày nhưng hiện nay con số đã là 9.000 ca".

Các nước phát triển hiện đã phần nào kiểm soát được dịch bệnh nhờ chương trình tiêm chủng diện rộng, bên cạnh xét nghiệm, truy vết hiệu quả.

Indonesia đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng 01, nhưng mới chỉ tiêm vaccine đầy đủ cho 4,3% dân số.

Wiweko cho biết chính phủ Indonesia sẽ xem xét chiến lược phong tỏa các khu vực nhỏ hẹp để kiểm soát những nơi có nhiều ca bệnh.

"Chúng tôi đã ban hành các quy định hạn chế hoạt động cộng đồng trên quy mô nhỏ, được thực thi ở tất cả các tỉnh, các thành phố, quận huyện. Mô hình này giống với giới hạn quy mô lớn, nhưng được áp dụng dựa trên tình hình địa phương," bà cho biết thêm.

Wiweko cho biết chiến lược bao gồm cách ly, điều trị có mục tiêu, các quy định làm việc tại nhà và giới hạn thời gian mua sắm. Công tác truy vết cũng được tăng cường từ 5-10 tiếp xúc với mỗi ca dương tính lên 20-30, bà nói thêm.

"Chúng tôi biết người dân đang rất lo lắng. Nhưng hiện chưa quá muộn để ngăn chặn số ca nhiễm đạt đỉnh," Wiweko nói thêm.

Tuy vậy, Budiman cảnh báo phong tỏa quy mô nhỏ có thể không hiệu quả.

"Họ quá tập trung vào hậu quả kinh tế, nhưng sớm hay muộn họ cũng phải nghĩ lại các biện pháp ứng phó, do kinh nghiệm ở các nước khác cho thấy chỉ có phong tỏa nghiêm ngặt kết hợp với tăng cường xét nghiệm, truy vết, kèm theo cách ly và chương trình tiêm chủng diện rộng mới hiệu quả trong kiểm soát biến chủng Delta, ông nói.

Utomo cũng nêu ý kiến tương tự. "Giải pháp đơn giản: thực thi các quy định y tế, xét nghiệm, truy vết và vaccine. Cần phải kiên định với chiến lược của họ."

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật