Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đang sống lưu vong ở nước ngoài sau cuộc đảo chính hồi năm 2006, nhưng chính xác ở đâu thì không ai rõ.
Từ năm 2008 ông đã bị cáo buộc tội tham nhũng trong vụ việc mang tính xung đột lợi ích nhưng ông cho rằng vụ việc mang động cơ chính trị. Đến năm 2012, nhà tỉ phú ngành viễn thông bị cáo buộc tiếp tội tham nhũng trong vụ việc bị cho là có lạm dụng quyền lực.
Chính quyền đã không thể xử tội được do nhân vật chính không có mặt ở Thái Lan.
Nay hãng tin Reuters dẫn lời ông Wanchart Santikunchorn - phát ngôn viên của văn phòng công tố cho hay: "Các công tố viên hôm nay (21-11) đã đệ trình yêu cầu lên Tòa án Tối cao Thái Lan để tiến hành xét xử vắng mặt hai vụ án của cựu Thủ tướng Thaksin theo luật mới".
Theo ông Wanchart, vụ kiện này được tiến hành phù hợp với luật mới sửa đổi chứ không phải một động thái nhằm chống lại gia tộc Shinawatra.
Hồi tháng 9 vừa qua, chính quyền của Thủ tướng Prayut Chan-ocha đã thông qua luật mới cho phép tòa án tiến hành xét xử đối với các chính trị gia ngay cả khi họ không có mặt trong nước.
Động thái đệ trình đơn kiện của nhóm công tố viên đối với ông Thaksin đã bị một số quan chức Thái Lan, đặc biệt là những thành viên của đảng Puea Thái, chỉ trích là mang động cơ chính trị. Cựu Bộ trưởng Thương mại Watana Muangsook cho rằng chính quyền quân sự đang hủy hoại đất nước bằng các vụ kiện tụng chính trị.
Em gái của ông Thaksin, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra - người bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2014, cũng đã trốn khỏi Thái Lan hồi tháng 8, trước khi Tòa án Tối cao ra phán quyết về vụ kiện chương trình trợ giá gạo khiến chính phủ thất thoát hàng tỉ USD. Bà Yingluck bị kết án vắng mặt năm năm tù hồi tháng 9.
Bà Yingluck được cho là đã chạy sang Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) rồi sau đó đến London (Anh) để xin tị nạn chính trị. Hiện tung tích của bà vẫn chưa được tìm ra dù cảnh sát Thái Lan đã đề nghị Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) hỗ trợ.
Chuẩn bị cải tổ nội các theo hướng dân sự
Truyền thông Thái Lan ngày 17-11 đưa tin Thủ tướng Prayut Chan-ocha đã đệ trình lên Nhà vua Rama X danh sách các thành viên mới của nội các nước này, chuẩn bị cho cuộc cải tổ nội các được cho là tập trung vào việc cải thiện hoạt động các bộ ngành liên quan đến hoạt động kinh tế.
Trước đó, Thủ tướng Prayut cam kết sẽ đưa nhiều nhân vật dân sự vào nội các thay thế một số tướng lĩnh, sau khi Bộ trưởng Lao động, Đại tướng Sirichai Distakul bất ngờ từ chức hồi đầu tháng này do không thực hiện hiệu quả việc đăng ký lao động nước ngoài, làm xáo trộn các hoạt động kinh tế của đất nước.
Theo Tú Anh (Tuổi Trẻ)