Cuộc sống lưu vong của ông Thaksin

11/09/2017 10:14:00

"Tôi không còn hứng thú trở thành thủ tướng lần nữa. Tôi không còn hào hứng với quyền lực" - cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra khẳng định

"Tôi không còn hứng thú trở thành thủ tướng lần nữa. Tôi không còn hào hứng với quyền lực" - cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra khẳng định

Đi khắp thế giới

Cựu thủ tướng vốn xuất thân là một tỉ phú viễn thông, sở hữu nhiều nhà cửa ở ít nhất 6 quốc gia này đã bắt đầu sử dụng thị thực của Montenegro để đi lại sau khi bị chính quyền Thái Lan tịch thu giấy tờ cá nhân. Chưa kể, ông còn sở hữu một hộ chiếu ngoại giao Nicaragua.

Ông chủ một thời của CLB Manchester City cũng được coi là chính trị gia lưu vong nổi tiếng nhất thế giới. Kể từ khi bị phế truất trong cuộc đảo chính của quân đội năm 2006, ông Thaksin trải qua quãng đời tha hương tới nhiều nước. Chiếc chuyên cơ Bombardier Global Express siêu sang đưa ông đi khắp nơi trong hành trình tìm kiếm các thiên đường an toàn và tiếp tục đế chế kinh doanh của mình cũng như củng cố lực lượng ủng hộ ở Thái Lan. Dấu chân của ông đã để lại ở nhiều mảnh đất, như Hồng Kông, Singapore, Trung Quốc, Brunei, Anh...

Cuộc sống lưu vong của ông Thaksin - Ảnh 1.

Người biểu tình “Áo đỏ” với ảnh cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra tại cuộc tuần hành tháng 4-2011 Ảnh: REUTERS

Năm 2009, vị thủ tướng bị lật đổ quyết định dừng chân ở Dubai - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ở xứ sở nhà giàu này, ông sở hữu một villa tiện nghi trong dinh cơ riêng nhìn ra hồ và sân golf. Trong garage, 2 siêu xe Lexus LS 600h L và Jaguar bóng lộn luôn trong trạng thái sẵn sàng phục vụ.

Lần gần nhất, ông Thaksin chấp nhận trả lời báo chí là vào tháng 3-2016. Tiếp phóng viên Tạp chí Financial Times trong phòng riêng của một nhà hàng Trung Quốc tại trung tâm mua sắm ở Singapore, vị chính trị gia lưu vong giải thích rằng "tưởng tượng tiêu cực" là một trong những lý do khiến ông đồng ý trả lời cuộc phỏng vấn vốn được mời mọc lần đầu tiên từ 2 năm trước.

"Tôi đã im hơi lặng tiếng suốt nhiều năm qua nhưng nay, em gái tôi nói rằng tôi phải lên tiếng. Nếu không, mọi người ngoài kia sẽ cứ mãi hiểu lầm tôi" - ông Thaksin nhấn mạnh - "Tôi không thực sự có ý định tìm cách trở về nước. Tôi đang đấu tranh vì sự bất công đối với mình và những người ủng hộ".

Theo Financial Times, nhiều người có thể sẽ hoài nghi về khái niệm "im hơi lặng tiếng" của ông Thaksin khi mỗi di sản mà ông để lại đang gây tranh cãi kịch liệt. Dù bị không ít thế lực thù ghét nhưng ông vẫn được coi là người hùng ở một số vùng nông thôn Thái Lan vì những chính sách hướng tới người nghèo trong thời gian cầm quyền. Gần 10 năm sau khi bắt đầu cuộc sống lưu vong (năm 2008), ông Thaksin được cho là vẫn tác động đến cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra kể từ khi ông bị phế truất năm 2006.

Trái với tưởng tượng của nhiều người, ông Thaksin trải lòng: "Tôi không còn hứng thú trở thành thủ tướng lần nữa. Tôi không còn hào hứng với quyền lực". Ông hối thúc các tướng lĩnh quân đội Thái Lan nên đối thoại để chấm dứt bế tắc chính trị, vực dậy nền kinh tế nước nhà đang phát triển chậm nhất Đông Nam Á.

"Nỗi khổ" tha hương

Cuộc sống lưu vong lâu nay vốn chẳng bao giờ được cho là dễ dàng. Chính khách La Mã nổi tiếng Marcus Tullius Cicero đã chìm sâu vào trầm cảm khi bị đi đày năm 58 trước Công nguyên. Napoleon bỏ mạng trong những ngày bị lưu đày trên đảo St. Helena mà không bao giờ được nhìn lại nước Pháp. Trong khi đó, chính trị gia Ai Cập Mahmoud Sami al-Baroudi bức bối với cuộc sống lưu vong tới mức hàng loạt bài thơ chất chứa bi thảm và buồn đau đã ra đời.

Tuy nhiên, "nỗi nhọc nhằn" trong cuộc sống tha hương của ông Thaksin - từng được hé lộ trong cuốn sách "Thaksin, Where are you?" xuất bản năm 2007 do Sunisa Lertpakawat, nữ trung úy quân đội Thái Lan, chấp bút - lại mang một màu sắc rất khác. Theo đó, những ngày đầu lưu vong ở London sau khi rơi khỏi đỉnh cao quyền lực, ông Thaksin đã thấm thía rằng tìm kiếm một thợ cắt tóc hợp sở thích ở xứ sở sương mù cũng khó chẳng khác gì chuyện quay lại với quyền lực. Bởi vậy, mỗi lần có dịp tới Singapore hoặc Hồng Kông, ông đều không quên cắt tóc với một chuyên gia bay từ Bangkok qua. "Thợ tại London thường cắt tóc quá ngắn hoặc quá tân thời. Đôi khi họ làm tôi trông như một cậu thiếu niên" - ông Thaksin cho biết.

Theo tiết lộ của cuốn sách gây nhiều tranh cãi này, ngoài việc dành thời gian đi mua túi xách cùng vợ và 2 con gái, hát karaoke với ca sĩ nhạc pop Thái Lan Lydia ở London, ông Thaksin còn có những thú vui kỳ công khác, như: sang Pháp thưởng thức rượu vang thực thụ và đồ ăn chiều chuộng khẩu vị của mình, đáp máy bay tới câu lạc bộ golf ở Miami - Mỹ đổi gió... Cựu thủ tướng nói với tác giả cuốn sách rằng ông phải dùng tới 8 điện thoại di động và 20 chiếc sim...

Tuy nhiên, chính quyền quân sự Thái Lan lật đổ ông Thaksin lúc bấy giờ cho rằng cuốn sách chỉ là một nỗ lực đánh bóng tên tuổi nhằm lấp liếm những khó khăn của vị cựu thủ tướng đang bị cảnh sát trong nước truy bắt vì bị kết tội tham nhũng. Bác bỏ nghi ngờ này, tác giả "Thaksin, Where are you?" khẳng định cô đã bỏ tiền túi tới London và phải mất nhiều lần thuyết phục mới có được cuộc nói chuyện kéo dài 6 giờ với ông Thaksin để có chất liệu cho cuốn sách. 

"Được yêu mến nhất"

Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất của Viện Vua Prajadhipok, ông Thaksin được xem là thủ tướng Thái Lan được yêu mến nhất trong 15 năm trở lại đây.

Tổng cộng 33.420 người Thái Lan đã tham gia khảo sát trong tháng 4 và 5-2017. Họ được yêu cầu đánh giá các lãnh đạo Thái Lan trong giai đoạn từ năm 2002 đến 2017. Cựu Thủ tướng Thaksin nhận được sự tín nhiệm cao nhất, lên đến 93%, trong năm cầm quyền của ông - 2003.

Theo Đỗ Quyên (Nld.com.vn)

Nổi bật