Tiếp sau Italy, Tây Ban Nha sẽ phong tỏa 46 triệu dân trong khuôn khổ lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài 15 ngày để phòng chống dịch COVID-19.
"Lệnh cấm lưu thông trên đường phố phải được tuân thủ từ hôm nay" - Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 14/3 nói tại Madrid, trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình sau cuộc họp nội các kéo dài 7 giờ.
Khoảng 46 triệu dân Tây Ban Nha phải ở nhà ngoại trừ việc ra ngoài mua thức ăn và thuốc men, đến bệnh viện và ngân hàng, hoặc chuyến đi liên quan đến chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ và người già. Thủ tướng Sanchez thông báo cảnh sát sẽ là lực lượng đảm bảo giám sát.
Các nhà hàng, quán bar, cửa hàng nếu không kinh doanh lương thực hay các nhu yếu phẩm, sẽ phải đóng cửa. Các cơ sở kinh doanh giải trí hay thể thao như rạp chiếu phim, bể bơi, sân bóng cũng bị đóng. Các khách hàng phải duy trì khoảng cách với nhau ít nhất một mét.
Bắt đầu từ ngày mai 16/3, Tây Ban Nha cũng hạn chế các hoạt động giao thông trong nước, các hãng hàng không, tàu hỏa và hãng tàu được yêu cầu cắt giảm dịch vụ ít nhất một nửa để đảm bảo khoảng cách tối đa giữa các hành khách khi sử dụng các phương tiện này, hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Các xe buýt và tàu điện ngầm trong thành phố tiếp tục được hoạt động, trong khi các chuyến bay quốc tế không bị ảnh hưởng.
Tây Ban Nha đã trở thành điểm nóng mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khi ghi nhận tới 1.500 người nhiễm mới trong 24 giờ. Nước này hiện ghi nhận 6.391 ca mắc bệnh, trong đó có 195 ca tử vong vì COVID-19. Vài giờ sau khi nước này phong tỏa toàn quốc, vợ của Thủ tướng Tây Ban Nha được xác định nhiễm nCoV.
Duy Anh (Nguoiduatin.vn)