Theo The Independent, một nghị định đang được soạn thảo sẽ yêu cầu toàn bộ người dân Tây Ban Nha ở nhà trừ trường hợp mua thực phẩm, thuốc, tới bệnh viện, đi làm hoặc giải quyết việc khẩn cấp.
Theo El Mundo, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha sẽ nắm quyền kiểm soát tất cả các lực lượng cảnh sát, bao gồm cảnh sát địa phương và khu vực, như một phần của tình trạng khẩn cấp mà chính phủ nước này mới ban bố.
Chính phủ Tây Ban Nha cho biết cuộc họp nội các để quyết định các biện pháp sẽ được áp dụng vẫn đang diễn ra. Một cuộc họp báo sẽ được tổ chức vào lúc 14 giờ (giờ địa phương).
Trước đó, các chuyến bay từ Anh tới Tây Ban Nha trong ngày 14/03 đang phải quay đầu do tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở nước này.
Hãng hàng không Jet2 đưa ra thông báo về việc hủy bỏ mọi chuyến bay tới Tây Ban Nha trước khi có thông tin về việc các biện pháp sắp được áp dụng trên phạm vi toàn quốc ở nước này.
Theo hãng, quyết định được đưa ra sau khi số ca nhiễm mới được ghi nhận tại Tây Ban Nha mỗi ngày liên tục tăng cao cũng như việc chính phủ nước này đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Nhà chức trách Tây Ban Nha sáng 14/03 (giờ địa phương) thông báo ghi nhận thêm 609 ca nhiễm Covid-19 mới, cùng 58 trường hợp tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh lên 5.841 và số người chết lên 191. Trước đó trong 24 giờ tính đến đêm 13/03, nước này ghi nhận tới 2.086 ca nhiễm căn bệnh.
Hôm 12/03, phát biểu trước người dân, thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thừa nhận số ca nhiễm Covid-19 có thể tăng lên 10.000 trong những ngày tới.
Trước đó, một nước châu Âu khác là Italy cũng đã ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc. Ban đầu, chính phủ nước này chỉ hạn chế người dân đi lại ở khu vực miền Bắc, nhưng vào hôm 09/03 đã quyết định mở rộng phạm vi ra toàn quốc trong bối cảnh ghi nhận hơn 9.000 trường hợp nhiễm Covid-19. Sau đó hai ngày, Italy tiếp tục yêu cầu đóng cửa mọi cửa hàng bán lẻ, trừ siêu thị và hiệu thuốc.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)