Hình minh họa tàu thăm dò Juno của NASA bay quanh quỹ đạo sao Mộc. Ảnh:NASA. |
Theo Seeker, tàu Juno đến điểm xa nhất có tên "apojove" trên quỹ đạo quanh sao Mộc hôm 31/7. Trong 27 ngày tiếp theo, chiếc tàu tự hành hoạt động bằng năng lượng Mặt Trời sẽ bị lực hấp dẫn siêu mạnh của hành tinh kéo vào bầu khí quyển đầy mây dày 4.184 km. Đây là vị trí tiếp cận gần sao Mộc nhất của Juno, mang tên "perijove".
Juno tiếp cận hành tinh khí khổng lồ hôm 4/7 sau khi hoàn thành 35 phút đốt động cơ tên lửa nhằm di chuyển chậm lại để trọng lực sao Mộc hút tàu vào quỹ đạo. Đây là thành quả sau hành trình 5 năm bay qua hệ Mặt Trời của tàu Juno, tính từ ngày 5/8/2011.
"Trong 5 năm, chúng tôi tập trung tới gần sao Mộc. Giờ đây khi tới đó, chúng tôi đang tập trung thực hiện những chuyến bay ngang bề mặt hành tinh để nghiên cứu khoa học", Seeker dẫn lời Scott Bolton, nhà nghiên cứu chính của dự án Juno ở Viện Southwest tại San Antonio, Mỹ.
Dù các thiết bị khoa học của Juno bị ảnh hưởng sau khi tiến vào quỹ đạo, con tàu vẫn sẵn sàng bay tới điểm perijove vào hôm 27/8. Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch thử nghiệm máy ảnh trên Juno trong lần tiếp cận này để kiểm tra thiết bị trước khi bắt đầu khảo sát khoa học sâu bên trong vành đai phóng xạ của sao Mộc.
Với chi phí chế tạo một tỷ USD, nhiệm vụ của Juno là tìm hiểu bên dưới khí quyển sao Mộc, bao gồm đo chính xác từ trường và trọng trường của hành tinh. Tàu thăm dò cũng sẽ xem xét thành phần và sự tiến hóa của bầu khí quyển, từ đó tìm ra cách sao Mộc hình thành.
Theo P.Hoa (VnExpress.net)