Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yury Borisov cho biết, Moscow đang có kế hoạch chào bán tàu hộ vệ tên lửa lớp Karakurt mới nhất của nước này cho các quốc gia đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có cả Việt Nam. Nguồn ảnh: airbase.ru. Cũng theo Thứ trưởng Borisov, tàu tên lửa này có những tính năng vượt trội như, lượng giãn nước thấp, cơ động và được trang bị vũ khí hiện đại, với trung tâm là tên lửa hành trình Kalibr. Ông Borisov cho rằng lớp Karakurt có tiềm năng xuất khẩu rất tốt sang nhiều quốc gia, đặc biệt là khu vực Thái Bình Dương như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác. Trong ảnh là tàu Uragan mang số hiệu “567” chiếc đầu tiên thuộc lớp Karakurt của Hải quân Nga. Nguồn ảnh: airbase.ru. Hiện tại Hải quân Nga đang có kế hoạch đưa vào trang bị ít nhất 18 tàu hộ vệ lớp Karakurt, trong đó đã có ba chiếc đã được đưa vào biên chế từ năm 2017 và 2018. Bản thân Hải quân Nga cũng không ngừng hiện đại hóa lớp tàu chiến đa năng này. Nguồn ảnh: bastion-karpenko. Tàu hộ vệ tên lửa lớp Karakurt thuộc Project 22800 là một trong nhiều thế hệ tàu chiến tương lai của Hải quân Nga, bản thân Project 22800 chịu khá nhiều ảnh hưởng từ “người đàn anh” Project 21631 lớp Buyan-M mẫu tàu chiến thành công nhất của Nga kể từ sau khi Liên Xô tan rã. Nguồn ảnh: bastion-karpenko. Ở nhiều góc độ mà nói Project 22800 gần như là một biến thể nâng cấp toàn diện của Project 21631 khi giữa chúng tồn tại những thiết kế khá tương đồng, từ lượng giãn nước cho tới cấu hình vũ khí. Nhờ vào việc “sinh sau đẻ muộn” Project 22800 cũng được tối ưu hóa tốt hơn hẳn Project 21631. Nguồn ảnh: bastion-karpenko. Hệ thống vũ khí trên Project 22800 cũng được nâng cấp đáng kể so với Project 21631, từ hải pháo chính cho đến tổ hợp vũ khí phòng không. Nếu như ở Project 21631 sử dụng tổ hợp vũ khí đánh chặn tầm gần (CIWS) AK-630-M2 thì qua Project 22800 nó đã được trang bị tổ hợp CIWS Pantsir-M. Đây là trang bị khá hiếm thấy đối với một tàu chiến có lượng giãn nước chỉ 800 tấn như Project 22800. Trong ảnh là tàu Shkval “584”, chiếc đầu tiên của lớp Karakurt được trang bị Pantsir-M. Nguồn ảnh: bastion-karpenko. Theo Cục thiết kế TW Almaz, tàu hộ vệ tên lửa Project 22800 có lượng giãn nước 800 tấn, dài 65m, rộng 10m, mớn nước 4m, có khả năng hoạt động liên tục trên biển trong 15 ngày với phạm vi 5.500km. Nó được thiết kế bổ sung vào đội tàu tên lửa nhỏ của Hải quân Nga, phối hợp tác chiến cùng các tàu Project 21631. Nguồn ảnh: TASS. Dù là tàu chiến nhỏ nhưng lớp Karakurt được Hải quân Nga trang bị hệ thống điện tử tương đương các tàu hộ vệ tên lửa cỡ lớn trên 1.000 tấn với nhiều hệ thống radar khác nhau như: Radar quét mạng pha điện tử chủ động AFAR, radar Laska, radar PAL-N-4. Trong đó radar Laska có khả năng vừa sục sạo vừa bám mục tiêu từ khoảng cách lên tới 30km. Nguồn ảnh: bastion-karpenko. Về hệ thống vũ khí chính Project 22800 được gắn một hải pháo đa năng AK-176 dùng để chống lại các mục tiêu trên biển, trên bờ, trên không kể cả tên lửa chống tàu loại bay thấp. Pháo được trang bị sẵn sàng 152 viên đạn cỡ 76,2mm, có thể tùy chỉnh tốc độ bắn 30, 60 hoặc 120 phát/phút, sơ tốc đầu đạn là 980m/s, góc ngẩng -15° - +85°, góc quay ngang ±175°, tầm bắn hiệu quả 10km, tầm bắn xa nhất 16km. Nguồn ảnh: bastion-karpenko. Giống như Project 21631, các tàu Project 22800 cũng được trang bị tổ hợp ống phóng tên lửa thẳng đừng mang theo 2 hệ thống tên lửa hành trình Kalibr hoặc P-800 Oniks với 8 ống phóng. Cả hai dòng tên lửa này đều có thể được sử dụng để tấn công nhiều loại mục tiêu khác nhau với tầm bắn lên đến hơn 1.000km. Nguồn ảnh: bastion-karpenko. Như đã nói ở trên Project 22800 được trang bị một tổ hợp pháo – tên lửa phòng không Pantsir-M – biến thể trên hạm của tổ hợp phòng không Pantsir-S1. Pantsir-M được tích hợp hai pháo tự động 6 nòng GSh-6-30K 30mm hoặc AO-18KD 30mm tương tự như trên tổ hợp phòng không trên hạm Kasthtan CIWS cùng với đó các đạn tên lửa 57E6 có tầm bắn 20km, độ cao hạ mục tiêu 15km. Nguồn ảnh: airbase.ru. Về tổng thể có thể thấy Project 22800 hay lớp Karakurt là một mẫu tàu chiến được thiết kế khá toàn diện, nếu không muốn nói là đa năng. Nó có thể thực hiện các nhiệm vụ của một tàu hộ vệ hạm hay khu trục cỡ lớn với hệ thống vũ khí được trang bị nhưng chi phí đầu tư ban đầu cũng như vận hành lại không quá tốn kém như tàu chiến cỡ lớn, đây là điều mà Hải quân Nga đã nhìn nhận ra được khi họ bắt đầu trang bị các tàu hộ vệ tên lửa Project 21631 hay lớp Buyan-M. Nguồn ảnh: bastion-karpenko. Nhìn sang Việt Nam, Project 22800 hay cả Project 21631 đều là các lựa chọn tốt nhất để Hải quân Việt Nam có thể hiện đại hóa lực lượng trong khoảng thời gian ngắn nhất với ngân sách còn nhiều hạn chế hiện tại. Mặt khác chúng vẫn đảm bảo nâng cao được tối đa sức mạnh tổng thể của toàn bộ lực lượng. Nguồn ảnh: bastion-karpenko. Dù vẫn còn quá sớm để nói về khả năng Việt Nam đặt mua các tàu Project 22800 từ Nga nhưng điều này vẫn có thể xảy ra trong tương lai gần khi chúng ta vẫn đang trong quá trình xây dựng một lực lượng hải quân tinh nhuệ, hiện đại. Nguồn ảnh: bastion-karpenko.
Nga hạ thủy tàu hộ vệ tên lửa Karakurt. (nguồn Military Technology)
Theo Trà Khánh (Kienthuc.net.vn)