Hãng tin Sputnik dẫn nguồn tin từ các nhà quân sự cho biết, các tàu chiến của Nga trang bị tên lửa hành trình 3M-54 Kalibr (theo cách gọi của NATO là SS-N-27 Sizzler và SS-N-30A) đồn trú lâu dài tại Địa Trung Hải có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, ngoài việc đối phó với mối đe dọa khủng bố tại khu vực Trung Đông đầy bất ổn.
Theo nhận định của các chuyên gia quốc phòng, “lưới chắn thép” này của Nga nhằm mục đích duy trì sự ổn định tại Syria, bảo vệ khu vực biên giới phía nam của Nga và hỗ trợ Hạm đội Biển Đen đối phó với NATO.
Bảo vệ khu vực trọng yếu của Nga
Trước đó trong cuộc họp với các quan chức thuộc Bộ Quốc phòng hôm 16/5, Tổng thống Nga Putin nói: “Trước mối đe dọa tổ chức khủng bố quốc tế xâm nhập vào Syria, hải quân Nga vẫn duy trì nhiệm vụ ngoài khơi Syria, tàu chiến trang bị tên lửa hành trình Kalibr sẽ thường trực trên biển Địa Trung Hải”. Ông Putin cho biết thêm, hải quân Nga sẽ tiếp tục tiến hành các chiến dịch quân sự ngoài khơi và các cuộc tập trận. Hiện tại, khoảng 102 chiến dịch trên biển có sự tham gia của tàu chiến và tàu ngầm Nga đang được thực hiện.
Ông Konstantin Sivkov, nhà phân tích quân sự, đồng thời là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết, nhiệm vụ của Kalibr không chỉ dừng lại ở đó mà loại vũ khí tầm xa với sức mạnh to lớn này có thể bảo vệ khu vực trọng yếu của Nga khỏi những kẻ tấn công tiềm tàng.
“Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hạm đội 5 của Hải quân Liên Xô hoạt động thường xuyên và liên tục tại Địa Trung Hải. Ở thời điểm đó, các tàu sân bay của Mỹ có thể tấn công Liên Xô từ phần phía đông của vùng biển này thông qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy khu vực phía nam của Liên Xô luôn bị đe dọa. Nhiệm vụ chính của tàu chiến và tàu ngầm của hạm đội 5 là ngăn chặn kẻ thù tiềm ẩn tấn công đất nước trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự”.
Nhà phân tích cho rằng, lực lượng đặc nhiệm của Hải quân Nga tại Địa Trung Hải ngày nay cũng có nhiệm vụ tương tự và sự xuất hiện của tên lửa hành trình Kalibr giúp tăng cường khả năng chiến đấu của họ.
Điển hình là vào đầu tháng 5, tàu khu trục Yaroslav Mudry lớp Neustrashimy đã áp sát tàu USS Harry S. Truman khi chiếc tàu này tiến hành các hoạt động tại phần phía đông Địa Trung Hải. Theo mô tả của kênh truyền hình ITV (Anh), hai chiếc tàu trên đã “chơi trò mèo đuổi chuột” trong khu vực và tàu khu trục Nga đóng vai trò theo dõi trực tiếp đối phương.
Ông Konstantin Sivkov cho biết thêm, trong trường hợp xảy ra xung đột, tàu theo dõi này có thể cung cấp tọa độ của nhóm tàu tấn công của đối phương (CSG) cho bộ chỉ huy. Giải thích về vai trò của tên lửa hành trình Kalibrs, ông nói: “Nhóm tàu của đối phương sẽ bị tấn công bởi tên lửa hành trình phóng từ tàu mặt nước, tàu ngầm Dự án 949 tại Địa Trung Hải hay tàu ngầm diesel-điện lớp Varshavyanka thuộc dự án 636.3. Lực lượng không quân Nga sẽ hỗ trợ hoạt động của hạm đội này. Theo đó, các máy bay chiến đấu Su-34 và Su-24 sẽ cất cánh tới căn cứ không quân Hmeymim của Nga ở Syria. Chúng sẽ được yểm trợ bởi máy bay ném bom Tu-22M3”.
Hỗ trợ hạm đội Biển Đen
Lý do khác sau việc Nga triển khai tàu chiến và tên lửa hành trình Kalibr thường xuyên tại Địa Trung Hải là để hỗ trợ hạm đội Biển Đen trong trường hợp xảy ra chạm trán quân sự với tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Vấn đề là nếu liên minh quân sự này đóng cửa eo biển Bosporus thì tuyến đường đi của các con tàu thuộc Hạm đội Biển Đen cũng bị chặn lại. Tuy nhiên, trong bất cứ hoàn cảnh nào thì các tàu chiến được trang bị tên lửa hành trình Kalibr cũng sẽ trở thành một phần không thể tách rời.
“Phạm vi hoạt động của tên lửa Kalibr đủ lớn để xử lý nhiều nhiệm vụ khác nhau. Chúng có thể vươn tới bờ biển Malta, Vịnh Ba Tư hay kênh đào Suez”, hãng tin Sputnik dẫn lời ông Alexei Leonkov, cựu nhân viên của Viện Nghiên cứu Trung tâm 30 của Không quân vũ trụ Nga.
Ông Leonkov cũng cho rằng, trong trường hợp cần thiết, tàu chiến Nga thậm chí có thể tới giải cứu Ấn Độ, đồng minh của Nga trong khối BRICS. Theo ông, các tên lửa hành trình tầm xa Kalibr sẽ cho phép lực lượng đặc nhiệm Địa Trung Hải thực hiện nhiều hoạt động chiến lược khác nhau và ngăn chặn kẻ thù tiềm năng.
Dòng Kalibr bao gồm tên lửa hành trình tấn công mặt đất (LACM) có tầm bắn lên đến 2,5 nghìn km, tên lửa chống hạm đạt tốc độ siêu âm trên Mach 2 (2,450km/h) ở cuối đường bay và ngư lôi chống tàu ngầm của Kalibr có thể nhắm bắn chính xác các tàu ngầm của địch.
Theo Hồng Anh (Vov.vn)