Tàu chiến Nga nổ súng về phía trực thăng Đức
Tờ Euractiv (Bỉ) ngày 5/12 đưa tin, tàu chiến Nga đã bắn cảnh cáo một máy bay trực thăng của quân đội Đức đang thực hiện nhiệm vụ trinh sát trên biển Baltic, giữa bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực.
Sự việc lần đầu tiên được Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tiết lộ hôm 4/12, bên lề cuộc họp của NATO tại Brussels, Bỉ. Vụ việc xảy ra vào tuần trước, gần thời điểm chuyến thăm của Thủ tướng Đức tới Ukraine hôm 2/12.
Theo bà Baerbock, chiếc trực thăng Đức được giao nhiệm vụ trinh sát trên biển bởi "luôn có những con tàu ở biển Baltic trốn tránh lệnh trừng phạt". Ở thời điểm sự việc xảy ra, tàu chiến Nga đã bắn đạn tín hiệu về phía trực thăng Đức. Bà Baerbock lưu ý đây là loại đạn chỉ dùng cho các tình huống khẩn cấp.
Song, tờ Bild (Đức) dẫn thông tin từ nhà báo Đức Thomas Wiegold tiết lộ một thông tin đáng chú ý: Không chỉ có đạn tín hiệu mà còn có đạn súng máy bắn ra từ phía tàu Nga. Theo ông Wiegold, có 2 tàu Nga liên quan tới vụ việc trên, gồm 1 tàu chở dầu và 1 khinh hạm hộ tống nó trên đường tới Syria. Khinh hạm này được xác định là Merkury (lớp Steregushchiy) của Nga.
Khi trực thăng Đức cất cánh từ khinh hạm Nordrhein-Westfalen (F223 của Đức) và tiếp cận nhóm tàu được vũ trang của Nga, "một phát đạn đã được bắn ra từ tàu chở dầu".
"Khi trực thăng SeaLion đang bay ở độ cao khoảng 300m và tiếp cận tàu chở dầu Nga ở khoảng cách 7km, con tàu này đã bắn ra đạn gây lóa. Ngoài ra, còn có các phát đạn súng máy bắn từ phía mạn tàu đối diện trực thăng xuống nước" – Ông Wiegold cho hay, song không nêu rõ tàu bắn đạn súng máy là tàu chở dầu hay khinh hạm Merkury.
Hai đài phát thanh và truyền hình NDR và WDR (Đức) thì cho biết, trong bản báo cáo nhiệm vụ sau vụ việc, phi công trực thăng SeaLion nói rằng anh ta đã nghe thấy nhiều tiếng súng bắn đạn cỡ nhỏ. Theo đó, chiếc tàu Đức "đã theo dõi tàu Nga đang trên đường tới căn cứ hải quân Tartus, Syria" trước khi xảy ra vụ nổ súng.
Cùng đưa tin về vụ việc, tạp chí Der Spiegel (Đức) nêu rõ, khinh hạm Nga là tàu đã nổ súng cảnh cáo về phía trực thăng Đức.
"Do chiếc trực thăng ở cách tàu vài km nên không có mối đe dọa đáng kể nào. Tuy nhiên, sự cố này đã gây ra lo ngại cho các cơ quan an ninh" - Der Spiegel thông tin.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Đức quyết định bảo mật vụ việc.
"Vì lý do an ninh quân sự, chúng tôi không thể cung cấp thêm thông tin" – Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Đức nói với tờ Bild.
Hành trình 30 tiếng bất thường của khinh hạm Đức
Theo tờ Bild, sự vụ lần này được Bộ Quốc phòng Đức phân loại "bảo mật đỏ", tức là "cực kỳ nhạy cảm". Song, cuộc điều tra dựa trên các nguồn tin nội bộ của tờ báo này đã cung cấp thêm một số thông tin chi tiết như sau:
Khinh hạm Nordrhein-Westfalen của Đức, mang theo trực thăng SeaLion, đã rời thành phố Gdańsk ở Ba Lan vào sáng ngày 25/11 sau "một chuyến thăm lịch sử". Theo kế hoạch ban đầu, con tàu sẽ đến đảo Rügen, Đức, để cùng tàu hộ tống Magdeburg của Hải quân Đức tham gia một cuộc diễn tập bắn.
Tuy nhiên, một điều bất thường đã xảy ra. Vào lúc 11 giờ 22 phút (theo giờ Đức), tàu Nordrhein-Westfalen bất ngờ tắt máy phát tín hiệu. Điều này thường xảy ra khi một con tàu được giao phó nhiệm vụ quân sự.
30 giờ sau, vào khoảng 17h ngày 26/11, tàu Nordrhein-Westfalen bất ngờ bật lại bộ phát đáp tín hiệu, di chuyển rất chậm rồi tăng tốc về hướng Rügen. Vị trí của tàu được ghi nhận cách đảo Bornholm của Đan Mạch 40 km về phía tây bắc. Đây là khu vực mà các tàu chở dầu Nga nằm trong diện trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) thường đi qua để đưa nguyên liệu thô tới châu Á và Trung Đông.
Theo Bild, những gì xảy ra trong vòng 30 tiếng "bất thường" này vẫn chưa rõ ràng, nhưng không thể loại trừ khả năng có liên quan tới vụ nã súng của tàu chiến Nga.
Một nguồn tin trong chính phủ Đức xác nhận với tờ Bild rằng, vụ việc đúng là xảy ra ở gần Bornholm, chính xác là ở phía nam hòn đảo này.
Theo tạp chí Der Spiegel, thông tin về sự vụ trên được tiết lộ cùng với việc Đức úp mở khả năng triển khai quân đội tới Ukraine.
Phát biểu tại cuộc họp của các Ngoại trưởng NATO ở Brussels để thảo luận về tình hình Ukraine, bà Baerbock không loại trừ khả năng quân đội Đức có thể được điều tới Ukraine làm nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ lệnh ngừng bắn (nếu đạt được) của các bên liên quan.
"Đức sẽ ủng hộ mọi thứ phục vụ cho hòa bình trong tương lai" – Bà Baerbock nói. "Chúng tôi sẽ thực hiện điều đó bằng tất cả sức lực của mình".
Chuyên gia: Có thể tàu Nga cảm thấy bị đe dọa
Trả lời tờ Focus (Đức), chuyên gia quân sự và an ninh David Matei cho biết, đạn tín hiệu thường có trên tất cả các tàu và được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Nếu thực sự chỉ có đạn tín hiệu được bắn ra thì sẽ không có nguy hiểm cho trực thăng và phi hành đoàn.
"Có khả năng kíp tàu Nga cảm thấy bị đe dọa, hoặc một thành viên thủy thủ đoàn đã mất kiểm soát" – Ông Matei nêu quan điểm.
Vị chuyên gia cho rằng, trong trường hợp này, "không nên làm to chuyện hơn thực tế" bởi dù gì tình hình ở biển Baltic hiện tại cũng đang rất căng thẳng.
Đáng lưu ý, một số kênh truyền thông Đức tiết lộ sau vụ việc, kíp tàu Nga đã "xin lỗi qua radio". Tuy nhiên, theo nhà báo Wiegold, thông tin này có thể chỉ là "một cách diễn giải vụ việc" của Bộ Quốc phòng Đức.
Trước đó, hai sự cố đứt cáp viễn thông nối Thụy Điển-Lithuania và Phần Lan-Đức vào cuối tháng 11 đã khiến nhiều nước châu Âu cáo buộc Nga gia tăng các cuộc tấn công phối hợp nhằm vào các đồng minh phương Tây của Ukraine.
Phản ứng trước các cáo buộc này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Việc tiếp tục đổ lỗi cho Nga về mọi thứ mà không có lý do gì là hoàn toàn phi lý".
"Có lẽ thật đáng cười khi không hề có phản ứng nào đối với các hoạt động phá hoại của Ukraine ở biển Baltic" - Ông Peskov nhấn mạnh, ám chỉ vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) vào tháng 9/2022 mà Moscow đổ lỗi cho Kiev và các nước phương Tây gây ra.
Theo Minh Minh (Nguoiduatin.vn)