Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi Ukraine để ngỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ cho Nga?

01/12/2024 16:00:14

Tổng thống Zelensky ngày 29/11 tuyên bố việc trao cho Kiev tư cách thành viên NATO trong khi vẫn tạm thời chấp nhận Nga kiểm soát một số vùng lãnh thổ nước này có thể là giải pháp chấm dứt "giai đoạn nóng" của cuộc xung đột đã kéo dài hơn hai năm. Tuy nhiên, tuyên bố của nhà lãnh đạo Kiev có thể mang tác dụng ngược.

Tuyên bố của Tổng thống Ukraine được đưa ra chỉ ít giờ sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha cũng gửi một bức thư có nội dung tương tự tới người đứng đầu cơ quan ngoại giao của NATO. Trong thư, Ukraine thúc giục các đối tác NATO gửi lời mời Kiev tham dự một cuộc họp ở Brussels vào tuần tới để sớm gia nhập liên minh quân sự này.

Đây được xem là nỗ lực mới của Ukraine nhằm đảm bảo lời mời gia nhập NATO sớm nhất có thể và là một phần trong "kế hoạch chiến thắng" được Tổng thống Zelensky vạch ra vào tháng trước nhằm chấm dứt cuộc xung đột hiện nay. Điều này cũng cho thấy dấu hiệu "xuống thang" rõ ràng của nhà lãnh đạo Kiev, trái ngược với lời từ chối thẳng thừng khi ông Trump đưa ra đề xuất này trong một cuộc phỏng vấn trước đó.

Cựu chuyên gia phân tích của CIA Ray McGovern nhận định, có nhiều khả năng chính quyền mới của ông Trump sẽ buộc Ukraine phải nhượng bộ 4 vùng lãnh thổ Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye mà Nga đã sáp nhập vào tháng 9/2022. Tổng thống Putin đã nhấn mạnh việc Ukraine rút lui khỏi các khu vực này và từ bỏ tham vọng gia nhập NATO là những điều kiện tiên quyết để tiến tới một lệnh ngừng bắn.

Theo ông McGovern, các biện pháp trừng phạt Nga của Mỹ và NATO trong những năm qua không cho thấy hiệu quả. Bất chấp việc bị phong tỏa trên mặt trận kinh tế, Nga vẫn đang trụ vững và đạt được những bước tiến mới trên chiến trường. Theo thống kê của hãng thông tấn Tass dựa trên báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga, trong mùa thu năm 2024, quân đội nước này đã giành quyền kiểm soát 88 khu định cư tại Cộng hoà Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk, các tỉnh Zaporozhye, Kursk và Kharkov.

Nga cũng đang tiến quân ở Donbass với tốc độ nhanh nhất kể từ khi xung đột nổ ra và hiện nắm quyền kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine. Trong khi đó, tại Kursk, Ukraine cũng đang bị đẩy lùi về bên kia biên giới sau khi Moscow mở đợt phản công lớn trong thời gian gần đây, cùng với sự hỗ trợ của binh lính Triều Tiên. Reuters dẫn lời một nguồn tin quân sự cấp cao cho biết, Kiev đã mất hơn 40% thành quả quân sự ở khu vực Kursk mà quân đội nước này nhanh chóng kiểm soát được trong cuộc tấn công bất ngờ vào đầu tháng 8. Áp lực quân sự từ phía Nga, cộng thêm khả năng dòng chảy viện trợ từ Mỹ bị cắt đứt sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng đã buộc Ukraine phải đảo ngược các quyết định trước đó nhằm tháo gỡ nút thắt hiện tại.

Theo ông Tony Brenton, cựu đại sứ Anh tại Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang "chơi một trò chơi rất tinh vi" khi kêu gọi đặt các vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát nằm dưới sự bảo trợ của NATO nhưng không có gì đảm bảo Ukraine sẽ là bên thắng cuộc.

"Ông ấy biết rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp gây sức ép lên cả Ukraine và Nga. Ông ấy đã sắp xếp để có thứ gì đó đề nghị với ông Trump về kế hoạch chấm dứt xung đột", cựu Đại sứ Brenton phân tích.

"Điều mà ông ấy đề xuất theo nhiều cách là đưa chúng ta đến gần hơn với mục tiêu rõ ràng, đó là kịch bản đóng băng xung đột theo chiến tuyến hiện tại và sau đó là một cuộc đàm phán về việc ai sẽ giữ phần lãnh thổ nào, tiếp đến là các đảm bảo an ninh cho Ukraine khi chấp thuận ngừng bắn", ông nói thêm.

Cựu đại sứ Anh chia sẻ với Sky News rằng ông Zelensky đã có một sự "một nhượng bộ khá lớn" khi tuyên bố ông sẵn sàng ngừng bắn và sau đó đàm phán về việc trả lại lãnh thổ do Nga chiếm đóng ở Ukraine trong dài hạn. Tuy nhiên, ông cho biết Moscow có thể xem xét lời đề nghị của Tổng thống Ukraine theo một góc nhìn khác so với vị Tổng thống Mỹ sắp nhậm chức Donald Trump.

"Nga sẽ coi đây là một sự nhượng bộ của Ukraine. Điện Kremlin có thể coi đây là biểu hiện của sự yếu đuối và cho phép họ gây sức ép nhiều hơn. Đó là một mối nguy hiểm khi chúng ta đi sâu vào vấn đề này", ông Tony nói.

Ukraine từng hai lần nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9/2022 và tháng 7/2024. Tại hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Washington hồi tháng 7, 32 quốc gia thành viên đã tuyên bố Ukraine đang trên "con đường không thể đảo ngược" để gia nhập liên minh này. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay là quan điểm của NATO cho rằng đường biên giới Ukraine cần được phân định rõ ràng trước khi Kiev chính thức được ghi danh vào liên minh quân sự lớn nhất thế giới này.

Điều này rất khó xảy ra trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa tiến tới hồi kết và không một quốc gia châu Âu nào muốn thông qua một quyết định mạo hiểm như vậy tại thời điểm này. Tới nay, NATO vẫn chưa đưa ra lời mời gia nhập chính thức hoặc đưa ra mốc thời gian cụ thể đối với Ukraine.

Theo Diệp Thảo (Vov.vn)