Hàng trăm thủy thủ Mỹ hôm 13/07 tiếp tục nỗ lực khống chế ngọn lửa trên tàu USS Bonhomme Richard ở căn cứ thủy quân tại thành phố San Diego, bang California. Đây được coi là một trong những vụ cháy tồi tệ nhất xảy ra với một tàu chiến Mỹ ngoài chiến đấu.
Vụ cháy bắt đầu từ sáng 12/07 đã phá hủy cột phía trước và tạo ra ngọn lửa kinh hoàng với nhiệt độ lên tới 1.000 độ F, theo New York Times.
59 người bị thương trong vụ cháy, bao gồm 36 thủy thủ và 23 thường dân - đều đã được cho xuất viện vào chiều 13/07, theo phát ngôn viên Hải quân Mỹ. Thống kê ban đầu cho thấy không ai thiệt mạng trong vụ cháy.
Sự chú ý hiện được dồn về số phận của con tàu. Thông thường, các tàu chiến Mỹ rất cảnh giác với nguy cơ hỏa hoạn. Hầu hết nhân sự hải quân Mỹ đều được huấn luyện cứu hỏa, họ biết rằng ngọn lửa còn nguy hiểm hơn thủy lôi hay tên lửa của đối phương.
Do lo ngại hỏa hoạn, khoảng 1/5 hoặc 1/6 thủy thủ đoàn thường được giao nhiệm vụ trực trên các tàu chiến như USS Bonhomme Richard, ngay cả khi đang neo đậu tại căn cứ quân sự, đề phòng xảy ra trường hợp khẩn cấp.
Hôm 13/07 các tàu khéo đã xối nước vào tàu USS Bonhomme Richard, trong khi trực thăng cứu hỏa cũng dùng gàu lớn trút nước xuống thân tàu nhằm nỗ lực dập tắt đám cháy. Các thủy thủ trên tàu buộc phải xả nước ra ngoài để giữ tàu cân bằng, dù vậy tàu vẫn bị nghiêng một bên do nước chữa cháy.
Chuẩn đô đốc Philip E. Sobeckcho biết tàu USS Bonhomme Richard đã chịu thiệt hại khá lớn từ vụ cháy, nhưng không trả lời câu hỏi liệu thân tàu đã bị phá hủy hay chưa.
Khi được hỏi liệu có thể cứu được tàu USS Bonhomme Richard hay không, chuẩn đô đốc Sobeck nói: "Lúc này, chúng tôi đang nỗ lực hết sức để làm điều đó. Một khi dập tắt được ngọn lửa, hiện vẫn là ưu tiên lúc này, chúng tôi sẽ đánh giá sau".
Sobeck nói thêm rằng ông "rất hy vọng" tàu USS Bonhomme Richard sẽ có thể ra khơi trở lại.
Nguyên nhân chính xác vụ hỏa hoạn xảy ra vẫn chưa được xác định. Tuy vậy theo chuẩn đô đốc Sobeck, các thủy thủ trên tàu báo cáo ngọn lửa bùng lên ở khu vực chứa xe tải và xe lội nước của lực lượng thủy quân lục chiến. Ngọn lửa có thể đã bùng phát rất nhanh do ở khu vực này có nhiều thùng các-tông lớn và các vật liệu dễ bắt lửa khác.
Chuẩn đô đốc Sobeck cho biết hệ thống halomethane dùng để dập lửa trên tàu đã không được sử dụng, do đang được bảo trì ở cảng. Tuy vậy, hệ thống helomethane thường chỉ được lắp đặt ở một khu vực nào đó trên tàu, do đó hiệu quả dập lửa của nó có thể không lý tưởng.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)