Sau nhiều năm chế tạo, Lầu Năm Góc cuối cùng đã trình làng một con tàu hứa hẹn sẽ trở thành tương lai của chiến tranh robot.
Các phương tiện tự hành đang ngày càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết và giống như những dòng máy bay không người lái (UAV) đang thay đổi tương lai của các chiến trường trên không, những tàu chiến khổng lồ không người lái cũng hứa hẹn tạo ra một cuộc cách mạng mới cho hải quân.
Tự săn ngầm và dò thủy lôi
Lầu Năm Góc vào đầu tuần đã đưa vào chạy thử nghiệm bản nguyên mẫu của con tàu mang tên Sea Hunter (Thợ săn biển cả), thành quả mới nhất của Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng hiện đại (DARPA). Được thiết kế để có thể hoạt động mà không cần tới bất cứ người nào hiện diện trên tàu, Sea Hunter dài tới 40 m, được trang bị năng lực dò thủy lôi, săn tàu ngầm và tầm hoạt động lên đến 16.000 km với tốc độ tối đa 48 km/giờ trong mỗi chuyến ra khơi. AP dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work hồ hởi nói: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, hải quân của một quốc gia tiến tới khả năng sở hữu một con tàu có khả năng vượt đại dương hoàn toàn tự động”.
Như đã đề cập, Sea Hunter có thể hoạt động mà không cần sự can thiệp của con người nhờ sử dụng những công nghệ tối tân trong lĩnh vực radar, sonar và định vị toàn cầu để di chuyển. Tính tới nay, DARPA đã chi 120 triệu USD để bắt tay với Hãng đóng tàu Leidos, trụ sở ở bang Virginia tiến hành nghiên cứu phát triển và chế tạo tàu mẫu.
Tuy nhiên, theo tờ The CS Monitor, các kỹ sư khẳng định một khi tất cả được hoàn chỉnh thì chỉ tốn khoảng 20 triệu USD để đóng tàu mới. “Chúng ta đã có được một loại khí tài với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với các loại tàu có người lái”, Chuẩn đô đốc Robert Girrier, Giám đốc chương trình chiến đấu không người lái của hải quân Mỹ nói.
Theo The CS Monitor, DARPA sẽ phối hợp với hải quân tiến hành thử nghiệm Sea Hunter trong vòng 2 năm tới tại vùng biển ngoài khơi bang California. Trong suốt thời gian này, các chuyên gia sẽ tập trung quan sát năng lực phản ứng của con tàu trong việc tránh va chạm khi di chuyển trên biển bên cạnh những tàu khác. Trong giai đoạn ban đầu, tạm thời tàu vẫn chở theo các thuyền viên để kịp thời xử lý trong trường hợp xảy ra sự cố. Tuy nhiên, một khi chứng tỏ năng lực tự di chuyển, Sea Hunter sẽ chuyển sang giai đoạn không người lái hoàn toàn với mục tiêu có thể tự di chuyển trên biển trong nhiều tháng.
Giám đốc chương trình phát triển Sea Hunter Scott Littlefield nhấn mạnh “sẽ không có chế độ lái từ xa trên con tàu này”. Thay vào đó, nó được cài đặt mệnh lệnh ban đầu là cần đi đến nơi đâu, cần phải đạt được mục tiêu gì và thế là phần mềm tự động đưa con tàu đến đích. Mặt khác, các chuyên gia còn đang nghiên cứu các biện pháp phòng thủ mạng để giảm thiểu nguy cơ tin tặc tấn công hệ thống điều khiển và chiếm quyền kiểm soát tàu.
Mục tiêu hiện nay của Lầu Năm Góc là sở hữu công cụ tự hành có khả năng săn ngầm và rà phá thủy lôi hữu hiệu để phát hiện các tàu ngầm điện/diesel di chuyển gần như “vô hình” trong lòng đại dương. Vì thế, cho đến thời điểm hiện tại, các nhà phát triển vẫn chưa có ý định trang bị vũ khí cho tàu. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá đây là chuyện sớm muộn, trước hết là để Sea Hunter có năng lực tự vệ, tiếp theo là biến con tàu thành một cỗ máy chiến đấu thật sự.
Điểm đến Thái Bình Dương
Việc chạy thử Sea Hunter tại cảng San Diego hồi tuần rồi cũng đánh dấu bước đầu tiên trong kế hoạch của hải quân Mỹ tiến tới triển khai thực địa lớp tàu quân sự không người lái ra nước ngoài.
Tờ The Telegraph dẫn lời chuyên gia Peter Singer của Tổ chức New America nhận định Lầu Năm Góc tập trung nghiên cứu công nghệ chống ngầm ngày càng hiện đại vì đặc biệt quan ngại trước những diễn biến tại Thái Bình Dương, nơi Nga và Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển hạm đội tàu ngầm. Bản thân Thứ trưởng Robert Work cũng bày tỏ hy vọng sẽ chứng kiến công nghệ tàu không người lái vùng vẫy ở Thái Bình Dương và vịnh Ba Tư trong vòng 5 năm tới, theo Reuters.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia nhận định tàu biển không người lái không chỉ có tiềm năng cách mạng hóa hoạt động trên biển của quân đội, mà còn hứa hẹn sẽ tạo nên thay đổi trong ngành vận tải biển. Theo Giám đốc chương trình Littlefield, tàu Sea Hunter có thể mở đường cho việc phát triển các con tàu tự hành phục vụ cho nhu cầu vận chuyển hàng hải.
Lâu nay, các nước từ châu Âu đến châu Á vẫn tiếp tục nỗ lực nghiên cứu cách thức phát triển các hạm đội tàu không người lái nhằm giảm chi phí, nhưng ý tưởng này luôn gây tranh cãi, chủ yếu là nghi ngờ khả năng di chuyển an toàn trên biển của các dòng tàu mới.
Do vậy, Sea Hunter đặc biệt thu hút sự quan tâm ngành hàng hải thương mại, đặc biệt đối với các hãng có tàu thường xuyên phải đi qua những vùng biển là điểm nóng của nạn hải tặc. Nếu công nghệ của Sea Hunter được áp dụng rộng rãi trong hàng hải thương mại thì cướp biển sẽ “hết đất sống” khi không thể buộc tàu dừng lại và cũng không có con tin nào để khống chế, bắt cóc đòi tiền chuộc.
Theo Thụy Miên (Thanh Niên Online)