Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đứng đầu một ủy ban mới với nhiệm vụ giám sát quá trình phát triển các dự án hợp tác quân sự và dân sự.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang dồn nhiều nguồn lực cho quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc, bao gồm việc phát triển lực lượng hải quân xa bờ, máy bay tàng hình và nhiều công nghệ hiện đại khác. Nhằm hỗ trợ nỗ lực này, ông Tập đã thành lập và trở thành người đứng đầu ủy ban giám sát việc phát triển các dự án liên doanh quân sự - dân sự, Reuters ngày 22/1 đưa tin.
Thông báo thành lập ủy ban này được hãng thông tấn Xinhua công bố vào cuối ngày hôm qua, sau cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc. "Ủy ban sẽ là cơ quan trung tâm có nhiệm vụ đưa ra quyết định, nghiên cứu và điều phối các vấn đề quan trọng liên quan tới quá trình phát triển các dự án tích hợp giữa quân sự và dân sự", theo Xinhua.
Ông Tập Cận Bình là Chủ tịch Quân ủy trung ương của quân đội Trung Quốc (PLA), đồng thời giữ vai trò tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, điều này cho thấy ông Tập đã thiết lập quyền lực tối cao đối với quân đội không kém gì các nhà lãnh đạo trước kia như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình.
Trung Quốc từng tuyên bố cần tập trung nhiều hơn vào quá trình phát triển các tổ hợp công nghiệp quốc phòng, tương tự nước Mỹ trước đây, để bảo đảm lực lượng vũ trang mạnh, xứng tầm với vị trí của Bắc Kinh trên thế giới. Hồi năm 2015, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Hứa Kỳ Lượng cho biết Trung Quốc cần bảo đảm an ninh quốc phòng để phát triển kinh tế.
Kế hoạch phát triển quốc phòng của Trung Quốc đã gây lo ngại cho nhiều nước láng giềng cũng như chính nước Mỹ. Bắc Kinh khẳng định việc này không có mục đích thù địch, mà chỉ nhằm nâng cấp lực lượng quân sự già cỗi để bảo đảm an ninh cho nền kinh tế của mình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Theo Tử Quỳnh (VnExpress.net)