Sofia Kravetskaya tiêm vaccine Sputnik V do Nga sản xuất từ tháng 12 năm ngoái, nhưng cô nhanh chóng trở thành nỗi sợ hãi ở các sân chơi công cộng tại Moscow mỗi khi đưa con gái đi chơi.
"Khi tôi tiết lộ bản thân đã tình nguyện tham gia thử nghiệm vaccine và đã được tiêm mũi đầu tiên, người ta dần xa lánh tôi. Người ta tin rằng nếu được tiêm chủng, virus sẽ xâm nhập vào cơ thể bạn, bạn sẽ có thể lây bệnh cho người khác," Kravetskaya nói với tờ New York Times.
Kravetskaya, 36 tuổi, cho rằng sở dĩ người dân Nga có phản ứng như vậy là bởi họ vẫn còn hoài nghi với vaccine. Các hãng thăm dò ý kiến người dân và các nhà xã hội học cho rằng mối nghi ngờ này là lý do chính khiến Nga mới chỉ đạt tỷ lệ 1/3 dân số được tiêm chủng đầy đủ, dù vaccine đã được triển khai tiêm miễn phí trên phạm vi toàn quốc.
Giới chuyên gia lo ngại tâm lý e ngại vaccine đang dẫn đến những làn sóng dịch bệnh đáng báo động. Hôm 16/10, Nga ghi nhận hơn 1.000 trường hợp tử vong trong 24 giờ lần đầu tiên từ khi đại dịch bùng phát. Hôm 18/10, Nga tiếp tục phá kỷ lục với hơn 34.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ.
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tuần trước thông báo mới chỉ 42 triệu trên tổng số 146 triệu dân Nga được tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ thấp hơn nhiều so với Mỹ hay các nước thuộc Liên minh châu Âu.
Nhưng dù số ca tử vong tăng cao kỷ lục, chính phủ Nga vẫn chưa áp dụng nhiều biện pháp giới hạn, trong khi chương trình tiêm chủng gặp nhiều trở ngại do tâm lý thờ ơ, thiếu tin tưởng.
Denis Volkov, giám đốc Trung tâm Levada nói cho biết một cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 08 cho thấy khoảng 52% người dân Nga không quan tâm tới việc tiêm chủng ngừa Covid-19.
Một số nhà nhân khẩu học cũng đặt câu hỏi về độ chính xác của những số liệu mà chính phủ Nga đưa ra. Cơ quan thống kê Nga hôm 15/10 cho biết hơn 43.500 người tử vong vì Covid-19 ở nước này trong tháng 08, tuy vậy một cơ quan nhà nước khác là ban chuyên trách phòng chống Covid-19 ban đầu lại chỉ ghi nhận chưa tới 25.000 ca tử vong trong cùng tháng, theo tính toán của Moscow Times. Sự khác biệt về số liệu này khiến người dân Nga không biết tin vào nguồn nào.
Điện Kremlin lo ngại trước tình trạng ca nhiễm, ca tử vong tăng cao. Tuần trước, tổng thống Vladimir Putin đề nghị các nghị sĩ khuyến khích chương trình tiêm chủng, nói rằng “Người dân tin tưởng và nghe theo lời khuyên, khuyến nghị của các bạn”.
Tuy vậy, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Pyotr O. Tolstoy cho rằng cách tiếp cận “chúng tôi nói, các bạn làm theo” không còn hiệu quả như trước.
“Thật không may là chúng ta đã tiến hành chiến dịch thông tin về virus corona ở Nga không chính xác và đã mất phương hướng,” ông Pyotr O. Tolstoy trả lời phỏng vấn truyền hình hôm 16/10. “Người dân không tin tưởng để đi tiêm chủng, đó là sự thật,” ông nói thêm.
Theo Volkov, phản ứng ban đầu quá bình tĩnh của chính phủ Nga đã khiến người dân nước này có thái độ bàng quang trước Covid-19.
“Ngay từ đầu đã không có những thông điệp quyết liệt rằng Covid-19 rất có hại. Động lực đã mất, hiện tại rất khó đưa nó trở lại,” Volkov nói thêm.
Nhìn chung, Điện Kremlin có quan điểm để thống đốc các vùng tự đưa ra biện pháp hạn chế phòng dịch. 38 trên tổng số 85 khu vực ở Nga đã ban hành các yêu cầu cụ thể đối với công chức, một số khu vực cấm sự kiện 2.000 hay 3.000 người tham dự.
Tuy vậy, các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn lại chưa được đưa ra tại nhiều nơi. Hồi mùa Hè, chính quyền Moscow áp lệnh bắt buộc ít nhất 60% nhân viên dịch vụ phải tiêm chủng, nhưng một số ý kiến cho biết quy định này trên thực tế không được thực thi. Hồi tháng 08, thị trưởng Moscow hủy kế hoạch yêu cầu phải quét mã QR chứng minh đã tiêm chủng thì mới được vào các cơ sở trong nhà, bởi chương trình này vấp phải quá nhiều sự phản đối.
Chính quyền vẫn còn ngần ngại không áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt bởi họ “không muốn mất lòng đa số người dân” phản đối các biện pháp đó, theo nhà xã hội học Aleksandra Arkhipova, người đang nghiên cứu thông tin sai lệch liên quan tới Covid-19.
Arkhipova cho biết một nguyên nhân dẫn tới tình trạng tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp là bởi người Nga chưa thực sự tin tưởng vaccine Sputnik V. Nhà phát triển vaccine Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga cho biết Sputnik V đã được 70 nước phê duyệt sử dụng, nhưng người dân vẫn có tâm lý nghi ngờ vì quá trình phát triển vaccine và phê duyệt nhanh bất thường ở Nga.
Kravetskaya cho biết cô muốn tham gia thử nghiệm vaccine Sputnik V bởi chồng cô và bảo mẫu của con gái cô đều là những người có nguy cơ cao nếu nhiễm Covid-19. Bên cạnh đó, cô có những người bạn đáng tin cận là nhà hóa học, sinh học đã khuyên cô nên tiêm thử vaccine.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)