Taliban 'lục' hồ sơ tình báo Afghanistan, lập danh sách những người muốn trừng phạt

21/08/2021 11:05:31

Đang xuất hiện ngày càng nhiều báo cáo về những vụ trả thù tàn khốc một khi những người lính Afghanistan bị bắt.

Taliban 'lục' hồ sơ tình báo Afghanistan, lập danh sách những người muốn trừng phạt
Lính Afghanistan hạ vũ khí và mặc quần áo dân thường chạy trốn khỏi Kabul khi Taliban tiến vào thành phố. Ảnh: NYT.

Lính Afghanistan giả thường dân trốn Taliban

Hàng dài các binh sĩ Afghanistan trong những chiếc xe bọc thép đang tiến về phía Iran, trong khi các phi công lái những máy bay chiến đấu tới khu vực an toàn ở vùng núi thuộc Uzbekistan.

Trong những tuần qua, hàng nghìn binh lính thuộc quân đội Afghanistan đã nhanh chóng di tản tới những quốc gia láng giềng trong bối cảnh Taliban đang ngày càng thắt chặt gọng kìm kiểm soát đất nước. Trong khi đó, số khác thì thoả thuận với Taliban để đầu hàng hoặc gia nhập phe chiến thắng.

"Không có con đường nào khác", Farid, một lính biệt kích Afghanistan, gửi tin nhắn cho một lính Mỹ đã từng chiến đấu cùng anh. Farid cho biết hiện anh đang trốn trong vùng núi ở phía Đông Afghanistan và bị mắc kẹt tại đây khi những lực lượng quân đội đầu hàng Taliban.

"Tôi chỉ còn cách cầu nguyện rằng mình sẽ sớm được giải cứu".

Taliban 'lục' hồ sơ tình báo Afghanistan, lập danh sách những người muốn trừng phạt - 1
Những người lính từng phục vụ trong quân đội Afghanistan và chạy sang Iran. Ảnh: AP.

Trong ngày chủ nhật khi Taliban tiến vào Kabul, nhiều người lính Afghanistan đã từ bỏ vũ khí và trà trộn vào những người dân thường tìm cách rời khỏi thành phố này.

Đã có nhiều nguồn tin khẳng định Taliban đang tìm kiếm những người mà tổ chức này cho rằng từng làm việc và chiến đấu cùng lực lượng Mỹ và NATO.

Bản danh sách "đen" của Taliban

Một cựu quan chức Afghanistan cho biết Taliban cảnh báo việc bắt giữ và trừng phạt thân nhân các gia đình nếu họ không thể tìm được những người đang chạy trốn. Thông tin này được tiết lộ trong một báo cáo mật trình lên Liên Hợp Quốc, cũng như thông qua các cựu chiến binh Mỹ nhận được tin nhắn từ những người lính Afghanistan.

Các quan chức cho biết Taliban đang tìm kiếm qua các hồ sơ tại Bộ Quốc Phòng, Bộ Nội vụ và trụ sở của Cơ quan tình báo Afghanistan, từ đó lên một danh sách những người cần tìm kiếm. Cùng với đó, đang xuất hiện ngày càng nhiều báo cáo về những vụ trả thù tàn khốc một khi những người lính Afghanistan bị bắt.

Một cựu phiên dịch cho lực lượng đặc biệt Mỹ cho biết anh đã nhìn thấy một người bị bắn chỉ vì nghi ngờ người này từng làm việc cho quân đội nước ngoài.

Ở thành phố Kandahar, một đoạn video clip được đăng tải trên mạng xã hội vào tuần trước ghi lại cảnh hàng chục thi thể bị bỏ lại bên đường, nhiều người trong số họ là các binh sĩ và quan chức Afghanistan bị Taliban hành quyết.

Hiện vẫn chưa rõ con số cụ thể về số lượng các binh sĩ và quan chức an ninh Afghanistan đang chạy trốn. Theo các nguồn tin, hàng chục các phi công chiến đấu đã chạy trốn sang Uzbekistan cùng với 600 người khác trên 22 máy bay và 24 trực thăng, trong khi một số khác thì chạy sang Iran.

Trên giấy tờ, lực lượng an ninh Afghanistan có khoảng 300.000 người. Nhưng phía Mỹ cho rằng con số thực chất tham chiến với Taliban chỉ khoảng 1/6 do nhiều yếu tố, như tham nhũng, đào ngũ hay thương vong.

Hàng nghìn người đầu hàng Taliban với lời hứa được an toàn. Cho đến nay, có vẻ như Taliban vẫn giữ cam kết của mình, một đặc điểm lịch sử thường thấy trong các cuộc chiến tại Afghanistan, và tổ chức này dường như đang tập trung vào việc tìm kiếm 18.000 lính biệt kích và các nhân viên an ninh, nhiều người trong số đó từ chối đầu hàng.

Hiện một số đang trốn ở Thung lũng Panjshir, khu vực chiến lược ở phía bắc Kabul nơi nhiều cựu lãnh đạo Afghanistan đang cố gắng tổ chức lại lực lượng nhằm chống lại Taliban. Nhiều nguồn tin chưa kiểm chứng cho biết hiện lực lượng này có khoảng 2.000-2.500 người.

Chính tại khu vực này hơn 2 thập kỉ trước, nhà lãnh đạo Ahmed Shah Massoud từng lãnh đạo lực lượng chống lại Taliban trong nhiều năm. Khu vực này cũng là nơi các điệp viên và lính đặc nhiệm Mỹ sử dụng để tấn công và lật đổ Taliban nhiều tháng sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.

Nhưng lần này, Panjshiri rõ ràng thiếu vũ khí, đạn dược và tuyến đường tiếp tế từ phía bắc biên giới Afghanistan, sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, và một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng như Massoud. Kể cả những người Afghanistan ủng hộ nỗ lực của các lực lượng tại đây cũng cho rằng khả năng thành công là rất xa vời.

Trong khi đó, Taliban đã bắt đầu xuất hiện tại nhà các quan chức tình báo ngay khi tiến vào Kabul. Tại nhà của Rahmatullah Nabil, một cựu lãnh đạo Tổng cục An ninh Quốc gia N.D.S, người đã rời đất nước trước đó, Taliban đã lấy dây điện rào quanh ngôi nhà.

Ở một căn hộ khác của một quan chức chống khủng bố, Taliban đã để lại bức thư yêu cầu người này ra trình báo Hội đồng Quân sự và Tình báo Kabul. Bức thư đề ngày 16/8 cũng được đề cập trong báo cáo mật trình lên Liên Hiệp Quốc.

Các quan chức chống khủng bố chịu trách nhiệm hỗ trợ lính biệt kích truy lùng các lãnh đạo Taliban, và bức thư nêu, "Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan coi anh là một người quan trọng".

Nếu người này không ra trình diện theo lệnh, gia đình và thân nhân sẽ bị bắt và trừng phạt.

Có nhiều báo cáo tương tự về danh sách những người Taliban đang truy tìm và muốn trừng phạt, cũng như địa điểm nơi họ đang trú ẩn. Báo cáo cũng cho biết Taliban đã đến từng nhà "để bắt giữ hoặc đe doạ sát hại thân nhân trừ khi họ đầu hàng".

Lực lượng này cũng đang tích cực mở rộng mạng lưới người đưa tin nhằm truy tìm các thành viên lực lượng an ninh.

Quan chức Lầu Năm Góc cho biết những người này sẽ được hỗ trợ rời khỏi Afghanistan một khi họ có thể đến được sân bay. Khác với những thông dịch viên từng làm cho Mỹ hay những người làm việc tại Sứ quán Mỹ, thành viên của các lực lượng an ninh Afghanistan không nằm trong chương trình visa đặc biệt mà Mỹ đang triển khai.

Theo Minh Khôi (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)

Nổi bật