Cô gái từng bị Taliban bắn vào đầu vì lên tiếng đòi quyền được tới trường: 'Tôi lo sợ cho những chị em của mình tại Afghanistan'

20/08/2021 07:11:12

Là một nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ, Malala trở thành người trẻ tuổi nhất trong lịch sử đoạt giải Nobel Hòa Bình vào năm 2014. Giờ đây, khi cả thế giới hướng về Afghanistan, cô gái 24 tuổi đến từ Pakistan cũng lo sợ cho số phận phụ nữ tại quốc gia láng giềng.

Dưới đây là những dòng chia sẻ của Malala Yousafai trên tờ New York Times về nỗi lo sợ cho tương lai của phụ nữ và trẻ em gái tại Afghanistan khi Taliban tiếp quản chính quyền.

Cô gái từng bị Taliban bắn vào đầu vì lên tiếng đòi quyền được tới trường: 'Tôi lo sợ cho những chị em của mình tại Afghanistan'

***

Trong suốt hai thập kỷ vừa qua, hàng triệu phụ nữ và bé gái Afghanistan đã có cơ hội được đến trường. Giờ đây, những kỳ vọng về tương lai hứa hẹn dường như sắp biến mất. Taliban - những kẻ trong 20 năm cầm quyền đã ngăn cấm gần như toàn bộ phụ nữ và bé gái được tới trường và thi hành những biện pháp trừng phạt hà khắc lên phụ nữ phản đối - đã trở lại nắm quyền. Cũng như nhiều người phụ nữ khác, tôi lo sợ cho các "chị em" của mình tại Afghanistan.

Điều đó gợi nhắc tôi nhớ lại tuổi thơ của mình. Khi Taliban tiếp quản mảnh đất quê hương - thung lũng Swat tại Pakistan vào năm 2007, họ đã cấm bé gái được tới trường, được hưởng nền giáo dục. Tôi phải giấu sách dưới khăn choàng và đi tới trường trong nỗi bất an. 5 năm sau khi tôi 15 tuổi, Taliban đã tìm cách giết tôi vì đã lên tiếng về quyền được tới trường của bản thân.

Tôi biết ơn cuộc sống mình đang có ở hiện tại. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm ngoái và bắt đầu với con đường sự nghiệp riêng của bản thân, nghĩ đến việc sẽ mất tất cả khiến tôi rùng mình - viễn cảnh phải trở lại với cuộc sống được định hình bởi những người đàn ông với súng thực sự kinh khủng.

Những người phụ nữ và các bé gái Afghanistan đang ở trong tình cảnh cùng cực như vậy - sợ hãi việc sẽ không được đến trường hay có thể đọc sách. Một vài thành viên của Taliban nói rằng họ sẽ không cấm phụ nữ, các bé gái được đi học hay được làm việc. Nhưng thử nhìn lại lịch sử đàn áp phụ nữ đầy bạo lực của Taliban, người ta hiểu được những lo sợ của phụ nữ Afghanistan hoàn toàn chính đáng. Hiện tại, đã có những trường hợp phụ nữ bị cấm tới trường đại học, không được đi làm xuất hiện trên báo chí.

Những điều này không mới mẻ với người Afghanistan, một dân tộc mắc kẹt hàng thập kỷ trong những cuộc chiến ủy nhiệm* của những quốc gia quyền lực trong khu vực và trên toàn thế giới. Trẻ em được sinh ra trên chiến trường. Các gia đình sống nhiều năm liền trong các trại tị nạn - hàng nghìn người đã phải rời khỏi quê hương trong những ngày gần đây.

Những khẩu súng trường Kalashnikov khoác trên vai quân lính Taliban nhưng lại đè nặng lên vai những người dân Afghanistan. Các quốc gia đã từng chiêu mộ chính những người dân Afghanistan như quân cờ trong cuộc chiến gây ra bởi lý tưởng và lòng tham của mình giờ đây bỏ lại người dân Afghanistan với những gánh nặng khủng khiếp.

Nhưng chưa quá muộn để giúp người dân Afghanistan - đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Trong suốt hai tuần vừa qua, tôi có cơ hội nói chuyện với nhiều nhà hoạt động vì giáo dục tại Afghanistan về tình hình hiện tại và những mong đợi cho tương lai. Một phụ nữ hiện đang điều hành vài ngôi trường cho trẻ em nông thôn nói rằng cô đã mất liên lạc với rất nhiều giáo viên và học sinh.

"Bình thường chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhưng giờ đây, chúng tôi đang tập trung vào cung cấp lều trại làm nơi ở", cô ấy cho biết.

"Hàng nghìn người dân đang cố gắng trốn chạy và chúng tôi cần những hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp, giúp các gia đình không chết đói hay thiếu nước sạch". Lời khẩn cầu của cô ấy cũng là niềm mong đợi của nhiều người. Các nước lớn trong khu vực cần hỗ trợ để bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Những quốc gia láng giềng hãy rộng cửa để đón những người dân đang cố gắng thoát thân. Nó sẽ giúp cứu sống hàng nghìn người và ổn định tình hình khu vực. Trẻ em trong các khu tị nạn cũng cần được tới trường và các tổ chức nhân đạo cần thiết lập các trung tâm giáo dục tạm thời tại những khu tị nạn để giúp đỡ người dân.

Nhìn về tương lai Afghanistan, một nhà hoạt động xã hội khác nói rằng họ muốn Taliban cụ thể hóa những điều họ sẽ thực hiện: "Những thứ mơ hồ như 'trẻ em gái có thể đi học' là không đủ. Chúng tôi cần sự đồng thuận cụ thể về việc trẻ em gái có thể hoàn thành việc học, có thể học khoa học và toán, có thể theo học đại học, trở thành một phần trong lực lượng lao động và làm các công việc mong muốn". Cô ấy sợ hãi khi phải quay trở lại với chế độ giáo dục thuần tôn giáo. Khi đó, trẻ em sẽ không được trang bị những kỹ năng cần thiết để hiện thực hóa giấc mơ trở thành bác sĩ, kĩ sư hay nhà khoa học trong tương lai.

Chúng ta sẽ còn nhiều thời gian để tranh luận xem sai lầm ở đâu trong cuộc chiến tranh Afghanistan nhưng trong thời khắc quan trọng này, hãy lắng nghe tiếng nói của những phụ nữ và trẻ em Afghanistan. Họ mong mỏi sự bảo vệ, cơ hội được đi học, khao khát tự do và tương lai từng được hứa hẹn sẽ tốt đẹp hơn. Đừng khiến họ thất vọng thêm. Chúng ta không còn nhiều thời gian nữa rồi.

* Chiến tranh ủy nhiệm là một cuộc xung đột vũ trang giữa hai quốc gia hoặc các chủ thể phi quốc gia hoạt động vì sự xúi giục hoặc nhân danh trung lập các bên khác không liên quan trực tiếp đến chiến sự.

Theo Minh Nguyễn (Trí Thức Trẻ)

Nổi bật