Taliban đang ngồi trên 'đống vàng' trị giá 1.000 tỷ USD

19/08/2021 15:42:02

Các báo cáo của Mỹ cho thấy Afghanistan sở hữu các mỏ khoáng sản gồm đồng, sắt, vàng, đất hiếm và lithium giá trị cực lớn.

Afghanistan là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Nhưng vào năm 2010, các quan chức quân sự và nhà địa chất Mỹ tiết lộ rằng đất nước nằm ở ngã tư của Trung và Nam Á sở hữu những mỏ khoáng sản trị giá gần 1.000 tỷ USD, có thể thay đổi toàn bộ nền kinh tế nước này.

Các mỏ khoáng sản như đồng, sắt và vàng nằm rải rác khắp các tỉnh của quốc gia này. Ngoài ra, Afghanistan còn có cả mỏ đất hiếm và có thể là cả những mỏ lithium lớn nhất thế giới – thành phần thiết yếu nhưng khan hiếm hiện nay dùng cho pin tái tạo năng lượng và các công nghệ khác để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Rod Schoonover, một nhà khoa học và chuyên gia an ninh, người thành lập Ecological Futures Group, cho biết: "Afghanistan chắc chắn là một trong những khu vực giàu nhất về kim loại quý truyền thống – những kim loại cần thiết cho cho các nền kinh tế mới nổi của thế kỷ 21".

Những thách thức về an ninh, thiếu cơ sở hạ tầng và hạn hán nghiêm trọng đã ngăn cản việc khai thác hầu hết các loại khoáng sản có giá trị trong quá khứ.

Tiềm năng to lớn

Triển vọng kinh tế của đất nước này khá mờ mịt giai đoạn trước đây. Vào năm 2020, ước tính khoảng 90% người Afghanistan sống dưới mức nghèo khổ do chính phủ xác định là 2 USD/ngày, theo báo cáo từ Cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, công bố tháng 6/2021.

Những tiết lộ về sự giàu có về khoáng sản của Afghanistan đã mang lại sự hứa hẹn.

Taliban đang ngồi trên 'đống vàng' trị giá 1.000 tỷ USD
Mỏ quặng đồng tại tỉnh Logar của Afghanistan

Nhu cầu về kim loại như lithium, coban, cũng như các nguyên tố đất hiếm như neodymium đang tăng cao khi các quốc gia cố gắng chuyển sang ô tô điện và các công nghệ sạch khác để giảm lượng khí thải carbon.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết hồi tháng 5 rằng nguồn cung toàn cầu của các nguyên tố lithium, đồng, nickel, coban và đất hiếm cần phải tăng mạnh nếu không thế giới sẽ thất bại trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. 3 quốc gia Trung Quốc, Cộng hoà Dân chủ Congo và Australia hiệm chiếm 75% sản lượng lithium, coban và đất hiếm toàn cầu.

Theo IEA, một chiếc xe điện cần lượng khoáng chất nhiều gấp 6 lần xe sử dụng nguyên liệu hoá thạch. Lithium, nickel và coban rất quan trọng với pin. Mạng lưới điện cũng đòi hỏi một lượng lớn đồng, nhôm trong khi các nguyên tố đất hiếm được sử dụng trong nam châm để tuabin gió hoạt động.

Chính phủ Mỹ đã báo cáo ước tính trữ lượng lithium ở Afghanistan có thể sánh ngang với trữ lượng tại Bolivia – nơi có trữ lượng lớn nhất thế giới hiện nay.

Mirzad thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ nói với tạp chí Science năm 2010: "nếu Afghanistan có được một vài năm yên bình, cho phép phát triển các nguồn tài nguyên khoáng sản của mình, nước này có thể trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất trong khu vực trong vòng một thập kỷ".

Nhưng rào cản còn nhiều

Nhưng sự bình yên đó chưa bao giờ đến và hầu hết khoáng sản của Afghannistan thì vẫn ở dưới lòng đất, Mosin Khan – thành viên cao cấp không thường trú tại Hội đồng Đại Tây Dương và cựu Giám đốc Trung Đông và Trung Á tại Quỹ tiền tệ Quốc tế cho biết.

Taliban đang ngồi trên 'đống vàng' trị giá 1.000 tỷ USD - 1
Một người dân Afghanistan khai thác được mảnh vàng ở mỏ Qara Zaghan

Trong khi đã có một số hoạt động khai thác vàng, đồng và sắt, việc khai thác lithium và cá khoáng sản đất hiếm đòi hỏi đầu tư lớn hơn nhiều, kỹ thuật cũng như thời gian. IEA ước tính trung bình phải mất 16 năm kể từ khi phát hiện ra một mỏ khai thác để bắt đầu sản xuất.

Hiện tại, khoáng sản chỉ đem về khoảng 1 tỷ USD/năm ở Afghanistan, theo Khan. Ông ước tính rằng 30-40% đã bị bòn rút bởi tham nhũng, cũng như các lãnh chúa và Taliban, vốn chủ trì các dự án khai thác nhỏ.

"Vẫn có khả năng Taliban sử dụng sức mạnh mới của mình để phát triển lĩnh vực khai thác", Schoonover nói.

"Taliban đã nắm quyền nhưng quá trình chuyển đổi từ nhóm nổi dậy sang chính phủ quốc gia sẽ không đơn giản chút nào", Joseph Parkes, nhà phân tích an ninh châu Á của công ty quản trị rủi ro Verisk Maplecroft cho biết. "Có thể phải mất nhiều năm nữa để quản lý các hoạt động khai thác khoáng sản còn non trẻ hiện nay".

Khan lưu ý rằng đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn trong khi thu hút vốn tư nhân thậm chí còn khó hơn. "Các nhà đầu tư tư nhân sẽ không mạo hiểm", Khan nói. Các hạn chế của Mỹ cũng có thể là một thách thức.

Cơ hội đến tay Trung Quốc?

Các dự án do nhà nước hậu thuẫn được thúc đẩy một phần bởi chính trị có thể là một câu chuyện khác. Trung Quốc, quốc gia đứng đầu thế giới về khai thác đất hiếm cho biết họ vẫn "duy trì liên lạc với Afghan Taliban".

"Trung Quốc – nước láng giềng bên cạnh, đang bắt tay vào một chương trình phát triển năng lượng xanh rất quan trọng", Schoonover cho biết. "Lithium và đất hiếm đến nay vẫn không thể thay thế được vì mật độ và đặc tính vật lý của chúng. Những khoáng chất đó sẽ nằm trong kế hoạch dài hạn của họ".

Tham khảo: CNN

Theo Đức Nam (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)

 

Nổi bật