Taliban của năm 2021 và chiếc ví căng phồng
Chỉ cần xem các đoạn clip trên truyền hình là có thể thấy Taliban năm 2021 đã rất khác so với hồi cuối những năm 1990. Chất lượng truyền phát thì chắc chắn là cải thiện, không nghi ngờ gì, nhưng ngay cả phục trang của các phiến quân trông cũng khá khẩm hơn.
Vũ khí của họ bóng loáng; những chiếc Humvee hoặc các phương tiện loại đó thì hoạt động hoàn hảo; quần áo của họ nom mới và sạch sẽ; ngay cả đầu tóc cũng gọn gàng hơn trước.
Nhìn chung, Taliban của 2021 không còn là đám phiến quân hung hăng, lộn xộn, tả tơi như trong những thước phim rung nhiễu - chuyên đánh đập và hành quyết đàn ông, phụ nữ trong giai đoạn thống trị dã man khi trước.
Giờ họ đã là một tổ chức đủ đầy với "chiếc ví căng phồng", tạp chí India Today nhận định.
Năm 2016, Taliban giữ vị trí thứ 5 trong danh sách 10 tổ chức khủng bố giàu nhất do Forbes bình chọn với mức doanh thu 400 triệu USD. Năm đó vị trí số 1 thuộc về ISIS (2 tỉ USD). Theo Forbes, nguồn thu chính của Taliban là buôn lậu ma túy, bảo kê và tiền tài trợ. Nhưng nên nhớ, đó là 2016, khi Taliban vẫn còn chưa có vị trí như bây giờ ở Afghanistan.
Trong khi đó, báo cáo mật của NATO mà RFE/RL nắm được xác định, doanh thu thường niên của Taliban trong năm tài khóa 2019-2020 là 1,6 tỉ USD, tăng 400% trong vòng 4 năm nếu so với số liệu của Forbes.
RFE/RF đã thử vạch ra các nguồn thu của Taliban như sau:
- Khai khoáng: 464 triệu USD
- Ma túy: 416 triệu USD
- Tài trợ từ nước ngoài: 240 triệu USD
- Xuất khẩu: 240 triệu USD
- "Thuế": 160 triệu USD (có thể là tiền bảo kê/tống tiền)
- Bất động sản: 80 triệu USD
Báo cáo mật của NATO nhấn mạnh tới thực tế rằng các thủ lĩnh Taliban đang theo đuổi hình thức tự cung tự cấp để trở thành một thực thể chính trị-quân sự độc lập.
Theo nguồn tin cho biết, hồi 2016 từng đưa tin: Trong một cuộc họp bí mật ở gần Quetta, Pakistan, Taliban đã yêu cầu các công ty viễn thông Afghanistan phải nộp một khoản "thuế bảo hộ" mới. Yêu cầu này được đưa ra cho 4 nhà mạng ở Afghanistan để đổi lấy cam kết không phá hoại cơ sở hạ tầng hoặc nhân viên của họ.
Động thái này được nhận định là nỗ lực để đa dạng hóa nguồn thu trước các cuộc hòa đàm với Kabul.
"Yêu cầu này phản ánh ý định ngày càng lớn trong nhóm những người đứng đầu Taliban với mong muốn đưa tổ chức này từ một nhóm phiến quân trở thành một bộ máy có tổ chức", chuyên gia Omar Hamid của công ty phân tích IHS nói.
"Những chỉ dấu xa hơn có thể bao gồm cả động thái tiếp cận xã hội dân sự và thành lập những cơ chế tương đương (với chính phủ Afghanistan - ND)".
"Các công ty viễn thông trước nay vốn luôn đóng tiền bảo kê cho Taliban nhưng thông tin của AFP cho thấy Taliban muốn đánh thuế khu vực viễn thông 10% như bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào mà mình nắm quyền kiểm soát", cựu thành viên Taliban Wahid Mazhdad chia sẻ với DW.
Ma túy, tiền tài trợ và "vị thế mới"
Theo DW, nhiều chuyên gia xem Taliban là "chuyên gia" trong những ngành công nghiệp trái phép với nguồn thu từ bắt cóc cho tới buôn lậu hàng hóa và không thể không kể đến mảng lợi nhuận cao "buôn lậu ma túy".
Thực ra, nhóm này phụ thuộc vào các nông dân sinh sống chủ yếu ở các tỉnh phía Nam Helmand, Uruzgan, Kandahar và Zabul. Taliban sẵn sàng trả một khoản tươm tất cho nông dân để họ trồng thuốc phiện - khoản tiền cao hơn nhiều so với mức hỗ trợ trong các chương trình sinh kế của các tổ chức quốc tế. Nếu dùng tiền không được thì viện tới bạo lực.
Nước Mỹ đã chi hơn 8 tỉ USD trong 15 năm cho các nỗ lực như xóa sổ các cánh đồng thuốc phiện, tấn công đường không và truy quét các cơ sở điều chế để tìm cách chia cắt Taliban với nguồn lợi từ buôn bán heroin và thuốc phiện. Và chiến lược của Mỹ thất bại.
Khó có thể xác định Taliban kiếm được bao nhiêu tiền từ buôn bán ma túy. Nhưng theo chuyên gia chống khủng bố Tomas Olivier, ước tính khoản này ở vào khoảng 100-300 triệu USD một năm. Hiện nay Afghanistan sản xuất hơn 80% lượng thuốc phiện trên toàn thế giới.
Nhưng đó chưa phải tất cả. Taliban được cho là nhận lượng lớn tài chính đóng góp từ các tổ chức Hồi giáo nước ngoài. Ông Michael Kugelman, chuyên gia Nam Á tại Trung tâm Woodrow Wilson cho hay, số này chủ yếu đến từ Pakistan và các nước ở vịnh Ba Tư, đặc biệt là các quốc gia trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh như Ả Rập Saudi, Kuwait, UAE.
"Ta có thể cho là các tổ chức từ thiện Hồi giáo từ khu vực này và có lẽ cả nhiều khu vực khác trên thế giới đang gửi tiền tài trợ cho Taliban", Kugelman nói.
Qua nhiều năm, Taliban đã giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn tài trợ và đóng góp của nước ngoài. Nếu quãng 2017-2018 tổ chức này được cho là nhận khoảng 500 triệu USD và khoảng phân nửa đến từ tài trợ nước ngoài thì tỷ lệ này đã giảm xuống khoảng 15% trong năm 2020.
Cùng trong năm tài chính này, ngân sách của Afghanistan là 5,5 tỉ USD, trong đó chỉ 2% dành cho quốc phòng (tức là 110 triệu USD). Tuy nhiên khoản ngân sách phục vụ "kế hoạch không để Taliban tiếp cận Afghanistan" do Mỹ đảm nhiệm.
Washington đã chi gần 1 nghìn tỉ USD trong vòng 20 năm cho hoạt động quân sự ở Afghanistan. Giờ thì có vẻ như so với Mỹ, Taliban "làm ăn hiệu quả hơn" ở Afghanistan.
Nếu chỉ nhìn nhận đơn thuần từ góc độ kinh tế, tỷ lệ lợi nhuận của Taliban (ROI - Return on Investment) đang ngày càng cao hơn. Có lẽ vì thế mà họ tỏ ra hài lòng khi nhanh chân thế chỗ trống mà Mỹ và NATO để lại.
Theo Thi Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)