Ai đã từng đến Tử Cấm Thành đều biết, trong cố cung thường có rất nhiều quạ bay lượn. Loài chim này có màu đen và tiếng kêu chói tai, là con vật xui xẻo trong mắt nhiều người bởi nó thường gắn liền với cái chết. Sự tồn tại của những con quạ càng làm tăng thêm sự bí ẩn cho Tử Cấm Thành, một trong những cung điện đã trải qua hàng trăm năm bão tố đẫm máu.
Trên thực tế, một vài con quạ lượn quanh Tử Cấm Thành chỉ là khách qua đường, ngôi nhà thực sự của chúng là những cây lớn xung quanh cố cung, chẳng hạn như Phố Nam Hà hoặc Đại lộ Trường An. Tuy nhiên, ngay từ thời nhà Thanh, quạ đã có mối ràng buộc sâu sắc không thể tách rời với Tử Cấm Thành, chúng là điềm lành của hoàng thất nhà Thanh.
Tử Cấm Thành là một trong những công trình kiến trúc cổ được bảo tồn tốt nhất tại Trung Quốc. Nó thể hiện sự uy nghiêm của hoàng tộc thời cổ đại ở quốc gia này. Cố cung có diện tích hơn 700.000 mét vuông và là cung điện đầu tiên trong số 5 cung điện lớn nhất thế giới. Theo thống kê, có tổng cộng 24 vị hoàng đế đã sống ở đây trong lịch sử. Tính đến thời điểm hiện tại, Tử Cấm Thành đã có lịch sử hơn 700 năm.
Để lý giải cho việc tại sao Tử Cấm Thành lại có nhiều quạ thì trước hết cần nhấn mạnh vào thời cổ đại ở Trung Quốc, loài chim này không phải điềm xấu. Do đó, không có chuyện quạ tập trung đến Tử Cấm Thành vì nơi này có nhiều người chết hay lời nguyền đáng sợ nào.
Vào thời nhà Thanh, Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích khi bị kẻ thù truy đuổi đã giả chết. Điều này thu hút một lượng quạ lớn sà xuống đậu lên người ông. Vì quạ là loài chim ăn xác nên khi quân địch đuổi đến nơi, thấy cảnh tượng đó thì nghĩ Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã chết nên bỏ đi. Kể từ đó, quạ được tổ tiên nhà Thanh coi là loài chim thần thánh, mang lại sự may mắn. Cũng chính vì vậy mà ở thời này, hoàng đế đã ra lệnh không được phép bắt quạ. Loài chim này được cho ăn cẩn thận. Sau khi nhập quan, hoàng đế nhà Thanh còn cho dựng cột thiên trong Tử Cấm Thành, đặt thức ăn lên đó để cho quạ ăn. Theo thời gian, số lượng quạ tụ tập về đây rất lớn và trở thành loài chim điềm lành trong lòng hoàng gia Mãn Thanh.
Ngày nay, trong Tử Cấm Thành vẫn có rất nhiều quạ, chủ yếu là do các tòa nhà ở đây có kiến trúc mái hiên và xà nhà lớn, rất thích hợp cho chim trú ngụ. Tử Cấm Thành thường yên tĩnh, không có sự quấy rầy của con người. Vào mùa đông, nhiệt độ tại đây tương đối cao nên trở thành điểm trú ngụ ưa thích của loài quạ.
Những năm gần đây, các chuyên gia còn phát hiện ra hiệu ứng đảo nhiệt của thành phố. Nhiệt độ ở Tử Cấm Thành và các khu vực lân cận tại trung tâm Bắc Kinh cao hơn so với ngoại ô. Môi trường thoải mái, cây cao, đèn nhấp nháy thu hút một lượng lớn quạ đến sinh sống. Chúng hình thành thói quen đi sớm về muộn, bay về thành phố. Thói quen sinh hoạt thường ngày rất giống với những người lao động nhập cư.
Trong mắt người hiện đại, quạ tượng trưng cho sự xui xẻo, thậm chí là chết chóc. Nhiều người cho biết họ thường thấy quạ bay quanh các lò hỏa táng nhưng trên thực tế, loài chim này chỉ bị thu hút bởi thứ mùi đặc biệt và sẽ tập trung về nơi có mùi. Hầu hết mọi người không thích quạ chủ yếu vì nó đen đúa, xấu xí và kêu la ồn ào. Có thể nói quạ tập trung ở đâu thì bầu không khí nơi đó sẽ ảm đạm dị thường.
Bắc Kinh không phải thành phố duy nhất có nhiều quạ. Rất nhiều thành phố phía bắc trên khắp thế giới, từ London đến Moscow, từ Nhật Bản tới Mỹ đều ít nhiều gặp vấn đề với loài chim này, ngay cả Singapore ở Đông Nam Á cũng bị quạ quấy rầy. Từng có nhiều vụ "chim tấn công" xảy ra ở Singapore nên quốc đảo này thậm chí còn sử dụng tia laze để tiêu diệt loài chim này.
Theo Bảo Linh (Phụ nữ & Pháp luật)